Mùa nước lũ về, chợ cá Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) lại tấp nập cảnh buôn bán nhưng đặc biệt ở chỗ chỉ có sản vật mùa nước là cá đồng.
Nơi đây là một trong những chợ cá đồng lớn nhất miền Tây do nằm ở rốn lũ có rất nhiều cá, tôm. Chợ cá đồng này không chỉ là đầu mối cung cấp cho các tỉnh trong khu vực mà lên tận TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ.
Nhộn nhịp cợ cá vùng lũ
Mới hơn 7 giờ sáng chợ cá Trường Xuân đã nhộn nhịp người mua, người bán ở khắp nơi đổ về. Nói là chợ cá nhưng nơi đây bán hầu hết các loại đặc sản vùng lũ như: tôm, cá đồng, cua đồng, rắn, ếch… Bà Nguyễn Thị Hiệp, chủ vựa mua bán cá ở chợ cho biết: “Trước đây chợ này nhóm chủ yếu vào ban đêm và đông nhất vào mùa lũ. Thời gian gần đây chợ chuyển sang buôn bán vào ban ngày cho thuận tiện, ban đêm chỉ nhóm vào lúc 2 giờ sáng để cung cấp cá linh cho các thương lái đem đi các chợ trong vùng tiêu thụ vào buổi sáng sớm. Mùa lũ năm nay khá lớn nên nguồn lợi từ thủy sản cũng tăng lên gấp rưỡi so với năm vừa rồi”. Chợ tuy nằm ở vùng sâu, vùng xa nhưng điều đặc biệt là ngay rốn lũ, thuận lợi cả đường thủy và đường bộ nên từ lâu nổi tiếng là điểm tập kết cá đồng lớn nhất khu vực miền Tây.
Chị Hạnh mỗi ngày thu mua hơn 100 kg cua đồng ở chợ Trường Xuân.
Năm nào cũng vậy, tới mùa lũ là mùa ăn nên làm ra của chị Trần Thị Bích Hạnh, chuyên thu mua cua đồng ở chợ. Mỗi ngày chị Hạnh thu mua từ 100 đến 200 kg cua đồng của người dân trong vùng. Chị Hạnh cho biết: “Từ lâu cua đồng đã trở thành đặc sản của xứ này. Khi mua cua đồng về sẽ được rửa sạch rồi tuyển lựa. Loại cua xô thì lột mai ra cho vào máy xay nhuyễn vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, loại lớn bán nguyên con và càng cua thì được lựa riêng để bán với giá đắt hơn”. Hiện tại, cua lột sẵn bán với giá 10.000 đồng/kg, cua có càng 30.000 đồng/kg, càng cua 150.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nơi đây nổi tiếng nhất vẫn là cá đồng với rất nhiều loại đặc sản vùng lũ như: cá linh, cá lóc, trê, chạch và kể cá lươn, rắn… Ông Nguyễn Văn Dũng, nhân viên ban quản lý chợ cho biết: “Chợ có khoảng 30 vựa trung bình mỗi ngày cung ứng khoảng 7 tấn cá đồng, khoảng 5 tấn cua đồng cho hầu hết các chợ trong khu vực. Mỗi ngày đều có mấy chiếc xe tải đợi sẵn để vận chuyển đặc sản vùng lũ lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ”.
Càng về trưa, chợ cá Trường Xuân càng tấp nập người mua, người bán. Đây là thời điểm người dân đi đánh bắt từ trong đồng quy tụ về chợ để bán cá. Cánh thương lái cũng tranh thủ mua đủ hàng để chở về các chợ khác bán lẻ. Nơi đây cá đồng nổi tiếng ngon nhưng cũng rẻ đến bất ngờ. Hiện tại cá linh chỉ dao động từ 20 đến 25.000 đồng/kg, lươn 90 đến 150.000 đồng/kg, cá chạch 40 đến 60.000 đồng/kg, cá lóc 70 đến 80.000 đồng/kg…
Điểm tựa mưu sinh của ngư dân nghèo và thương lái tứ xứ
Do chợ nằm ở vùng rốn lũ nên nhiều ngư dân chọn là điểm buôn bán cá, tôm. Mới sáng sớm ngư dân Trần Văn Tình ở xã Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đến chợ bán hơn 20 kg cá, cua đồng. Ông Tình cho biết: “Năm nào cũng vậy tới mùa nước nổi tôi và nhiều người dân trong xóm chọn nghề đặt dớn, giăng lưới để đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Mỗi đêm trừ đi chi phí cũng kiếm được vài trăm ngàn. Do chợ cá Trường Xuân nằm giáp ranh và bán có giá nên nhiều ngư dân không hẹn mà đến đây mua bán. Mùa nước nổi ruộng đồng ngập hết nên ngư dân nghèo chỉ còn duy nhất là ra đồng săn bắt cá tôm để kiếm sống”.
Ngư dân Nguyễn Văn Út ở xã Trường Xuân thì khoe: “Năm nay nước về nhiều nên ai làm nghề hạ bạc này cũng sống khỏe. Nhà nào không ruộng đất đều mong chờ mùa lũ về để dong xuồng ra đồng đánh bắt thủy sản. Chỉ cần giăng lưới, thả câu mỗi ngày cũng kiếm 1 đến 2 trăm ngàn sống khỏe re so với làm thuê, làm mướn trong mùa khô”.
Mùa lũ, dân mua bán tứ xứ cũng tập trung về chợ cá Trường Xuân để làm ăn mua bán. Ông Nguyễn Văn Tính từ thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười về chợ này làm ăn được mấy năm nay. Gia đình ông Tính chuyên thu mua cá, tôm của ngư dân để bán lại cho các bạn hàng đem về chợ bán lẻ. Ông Tính cho biết: “Nghề này mùa nước làm ăn khấm khá lắm. Mới đầu mùa lũ giá cua đồng chỉ 6.000 đồng/kg tôi mua 4 tấn về xay nhuyễn để vào thùng đông dự trữ chỉ cần để mấy tháng sau đem lên TP. Hồ Chí Minh bán lại cho các chợ với giá từ 20 đến 30.000 đồng, lời gấp mấy lần”. Ông Tính cho rằng, mùa nước lũ thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều người có miếng cơm, manh áo từ người dân nghèo không ruộng đất đến cánh thương lái làm chủ vựa và cả những bạn hàng chuyên thu gom cá tôm về bán lẻ ở các chợ. Năm nào cũng vậy, mùa lũ về là chợ cá Trường Xuân lại nhộn nhịp hẳn lên để cung ứng đặc sản vùng rốn lũ cho khắp nơi trong vùng.