Xuất bản tháng 10 năm 2013
Thưa quý vị bạn đọc!
Đến nay, ngành tôm Việt Nam dù chưa thực sự phục hồi nhưng đã thấy những dấu hiệu tích cực cả trong sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù chỉ có vài chục nghìn hécta diện tích nuôi trồng, nhưng theo ước tính đến hết tháng 9/2013, sản lượng thu hoạch của TTCT đạt khoảng 106.497 tấn, vượt xa tôm sú nếu so về tỷ trọng và hiệu quả trên cùng diện tích sản xuất. Cùng đó, giá trị xuất khẩu TTCT cũng đã có bước tiến rất mạnh, chiếm đến 41,7% trong tổng giá trị xuất khẩu ngành tôm và tăng trên 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù còn nhiều lo ngại trước sự phát triển ồ ạt của TTCT, nhưng với hiệu quả sản xuất như vậy, rất khó để hạn chế, nhất là trong thời điểm mà nuôi tôm sú gặp khó khăn như hiện nay.
Một vấn đề đang khiến các nhà quản lý đau đầu, ngành tôm khó thực hiện công cuộc phát triển bền vững, đó chính là nạn ô nhiễm môi trường. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ, 45,1% người nuôi tôm thâm canh cho rằng nuôi tôm sú gây ô nhiễm nặng nguồn nước xung quanh do nước thải không xử lý, nhiều hóa chất và bơm bùn ra sông. 66% người nuôi bán thâm canh cũng có quan điểm tương tự. Chính người dân đã tự chua chát thấy mình đang làm hỏng môi trường sống quanh mình. Ở chiều ngược lại, có 70% ý kiến của người nuôi cho rằng họ đang chịu sự ô nhiễm từ nguồn nước bên ngoài vào, trong đó có ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp, chất thải sinh hoạt và cả chất thải từ ngành tôm…
Các chuyên gia ngành tôm cho rằng, bài toán hiện tại là giảm diện tích nhưng tăng sản lượng. Năng suất nuôi trồng tăng gấp đôi đồng nghĩa với diện tích giảm 50%. Điều này cũng có nghĩa là nhiều diện tích của vùng tôm, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL sẽ có nhiều thời gian để “thở” hơn. ĐBSCL đã trở thành vùng nuôi tôm nước lợ chủ yếu của cả nước, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Nhưng làm cách nào để bù đắp cho sự phát triển của đồng bằng và người dân nơi đây?
Chuyên san Con Tôm số tháng 10 sẽ cùng bạn đọc tìm cách giải bài toán khó này.
Trân trọng!
Ban Biên tập
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Mrs Vũ Na: 097 823 3492; (04) 37711756
Email: vunathuysan@gmail.com; phqc@thuysanvietnam.com.vn
hoặc đăng ký trực tiếp qua link sau:
Đăng ký đặt mua Thủy sản Việt Nam
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.