Ngày 10/5/2013, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và quy định chi tiết Điều 3 của Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản.
Quy định chi tiết khoản 4 Điều 3 Nghị định số 53/2012/NĐ-CP:
Thủ tục và trình tự cấp các giấy tờ có liên quan tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam. Trong đó:
– Tổ chức, cá nhân gửi 1 bộ hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản (TCTS) trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, gồm: Đơn đề nghị cấp phép cho tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác; Hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia và vùng lãnh thổ đó chấp thuận (bản công chứng); Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản sao chụp); Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản sao chụp); Danh sách, ảnh và số hộ chiếu thuyền viên, người làm việc trên tàu cá; Bằng thuyền trưởng, máy trưởng (bản sao chụp).
– Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, TCTS xem xét thẩm định hồ sơ và cấp các giấy tờ theo quy định. Trường hợp không cấp phép, TCTS phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
– Trong 2 làm việc kể từ ngày cấp phép, TCTS phải thông báo cho UBND cấp tỉnh nơi tổ chức, cá nhân có tàu đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý.
2. Trình tự, thủ tục nhận lại các giấy tờ của tổ chức, cá nhân đã nộp cho TCTS sau khi kết thúc khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.
– Tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị nhận lại các giấy tờ đã nộp trực tiếp tại TCTS hoặc qua đường bưu điện.
– Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn theo quy định, TCTS phải trả lại các giấy tờ mà tổ chức, cá nhân đã nộp; Thông báo cho UBND cấp tỉnh nơi tổ chức, cá nhân đăng ký tàu cá và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý…
Quy định chi tiết khoản 4, Điều 8 Nghị định số 33/2010/NĐ-CP:
Trong đó, chủ tàu hoặc thuyền trưởng chịu trách nhiệm ghi sản lượng khai thác thủy sản từng chuyến biển tại nhật ký khai thác thủy sản (thực hiện đối với tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 20 CV trở lên); nộp và nhận nhật ký khai thác thủy sản mới theo quy định của Sở NN&PTNT; Sở NN&PTNT tổng hợp, báo cáo số liệu về Tổng cục Thủy sản và UBND tỉnh chậm nhất vào tuần thứ 3 của tháng…
Quy định chi tiết khoản 2, Điều 12 Nghị định số 33/2010/NĐ-CP:
Trong đó, đối với vùng biển lộng, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển các loại nghề, cơ cấu và số lượng tàu cá khai thác phù hợp với trữ lượng và khả năng cho phép của vùng biển; điều tra nguồn lợi thủy sản; tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Đối với vùng biển khơi, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch, quy hoạch, điều tra nguồn lợi thủy sản, định hướng phát triển các loại nghề khai thác để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững.
Quy định chi tiết khoản 6 Điều 12 Nghị định 33/2010/NĐ-CP:
Sở NN&PTNT các tỉnh tổng hợp số liệu tình hình cấp Giấ phép khai thác thủy sản của Thông tư này, gửi báo cáo về Tổng cục Thủy sản trước ngày 25 hàng tháng.
Quy định chi tiết khoản 5, Điều 3 Nghị định số 53/2012/NĐ-CP:
Theo đó, tổ chức, cá nhân khi đưa tàu đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác bắt buộc phải thực hiện việc ký hợp đồng lao động với thuyền viên và người làm việc trên tàu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2013 và thay thế Thông tư số 48/2010/TT-BNNPTNT ngày 11/8/2010 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.