Sau bão số 11, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khẩn trương khắc phục hậu quả, tiếp tục ra khơi khai thác và có nhiều chuyến biển bội thu.
Khẩn trương khắc phục
Những ngày qua, tại xã Tam Hải (huyện Núi Thành), nhiều chủ tàu cá có phương tiện bị hư hỏng do bão số 11 đang khẩn trương khắc phục hậu quả. Vừa đưa được tàu đến cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá của ông Trần Công Thành (Duy Vinh, Duy Xuyên), ông Phạm Thanh Nam (thôn 1, Tam Hải, chủ tàu cá QNa-90548 TS có công suất 280CV), cho biết: “Do gió bão quá mạnh mà các tàu lại neo đậu san sát nhau nên va đập mạnh khiến chiếc tàu của tôi bị vỡ be, hỏng vỏ. Ngay sau bão, tôi lập tức liên hệ với cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá của anh Thành để khắc phục sự cố”. Do bị vỡ hoàn toàn 2 chiếc be lớn, để sửa chữa xong tàu, ông Nam tốn kém không dưới 100 triệu đồng. Cùng hoàn cảnh như ông Nam còn có 3 gia đình khác cũng trú tại thôn 1 (xã Tam Hải), đó là các gia đình ông Phạm Thanh Hóa (chủ tàu cá QNa-91036 có công suất 450CV), Trần Văn Độ (chủ tàu cá QNa-91171 có công suất 380CV) và Trần Văn Kỳ (chủ tàu cá QNa-91702 có công suất 250CV). Các tàu này đều tham gia khai thác hải sản bằng nghề lưới vây và đều bị hỏng thân tàu khi tránh bão số 11. Ông Trần Văn Kỳ cũng là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải, chia sẻ: “Để có thể vươn khơi trong thời gian đến, mỗi chủ tàu bị hư hỏng phải bỏ ra không dưới 100 triệu đồng để sửa chữa lại tàu. Gần 2 năm nay, ngư dân làm ăn thất thu nên khó có vốn để hoàn thiện lại phương tiện vươn khơi. Hiện chúng tôi khẩn trương phối hợp với các ngành, các cấp vận động ủng hộ ngư dân gặp nạn và động viên đoàn viên, chủ tàu cá trong nghiệp đoàn khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm vươn khơi bám biển, bám ngư trường”.
Ông Trần Văn Kỳ bên chiếc tàu bị hỏng vỏ. Ảnh: N.Q.V
Theo thống kê của Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, bão số 11 ước tính đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngư dân trên địa bàn tỉnh. Huyện Núi Thành chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 40 chiếc tàu thuyền của ngư dân các xã Tam Hải, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Quang bị chìm; 2 chiếc tàu công suất lớn là QNa-90299 TS và QNa-90947 TS (hơn 90CV) bị mắc cạn tại khu vực cảng Tam Hiệp. TP.Hội An có 8 chiếc tàu thuyền bị chìm, 1 chiếc bị hỏng vỏ hoàn toàn. Huyện Thăng Bình có 11 chiếc tàu trên 90CV bị mắc cạn tại âu thuyền Hồng Triều… Huyện Duy Xuyên và Điện Bàn có khoảng 10 tàu thuyền bị bão đánh trôi và chìm. |
Tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), sau bão số 11, gia đình ông Võ Văn Tý (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) hì hục tay búa, tay cưa khẩn trương “chắp vá” lại nhiều chỗ bị vỡ trên thân con tàu QNa-93599. Ông Tý cho biết, tuy đã neo đậu kỹ lưỡng nhưng sóng lớn, gió to, nước cuốn đã đẩy bật con tàu của ông lên bờ gây mắc cạn và làm hư hỏng thân tàu. Ông nói: “Tôi đã nhờ bộ đội và lực lượng thanh niên đến hỗ trợ kéo tàu xuống nước nhưng do thủy triều xuống mà tàu lại to, máy lớn nên chưa thể đưa tàu xuống nước được”. Ông Tý dự tính, để thuê cẩu chiếc tàu xuống nước và gia cố lại thân, gia đình cần không dưới 50 triệu đồng. Trong cơn bão số 11 vừa qua, huyện Thăng Bình có nhiều tàu công suất hơn 90CV bị mắc cạn khi neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều. “Cơn bão số 11 đã gây thiệt hại lớn đối với các phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn. Trong nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão, chúng tôi đã vận động và thành lập được các đội xung kích cứu tàu cá, vận chuyển tàu cá bị mắc cạn xuống nước nhằm giúp ngư dân nhanh chóng đưa phương tiện vào sản xuất, ổn định cuộc sống” – ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết.
Tiếp tục vươn khơi
Sau bão số 11, tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, ngư dân lại hối hả ra khơi. Tại thôn Hà Thuận (xã Duy Vinh, Duy Xuyên), nhiều gia đình tất bật đưa ngư lưới cụ lên tàu thuyền, ra khơi khai thác hải sản. Gia đình ngư dân Trần Quang Thắng chuyên khai thác hải sản theo mùa. Vào vụ cá nam, gia đình anh theo nghề lưới vây 3 lớp cải tiến sản xuất theo tuyến lộng; vào mùa biển động, anh lại theo lưới cản khai thác tuyến bờ. “Thời gian bão qua là lúc có thể đánh bắt được nhiều cá gần bờ nhất. Các loại cá sòng, trích lại vào gần bờ hơn. Cứ biển “nhóc” là khai thác được bộn cá, đây là cơ hội tốt cho nghề đánh bắt gần bờ”. Còn ngư dân Lê Văn Định (thôn Hà Thuận) thì cho biết, với chuyến ra khơi đầu tiên sau bão vừa qua, tàu của anh đánh bắt được hơn 20 tấn cá, mực các loại, thu hơn 50 triệu đồng; trừ phí tổn, lãi được 20 triệu đồng, mỗi người đi “bạn” được 5 triệu đồng.
Tại cảng Cửa Đại (TP.Hội An) vào những ngày qua khi trời vừa hửng nắng là các tàu thuyền lại hối hả ra khơi. Những chuyến biển sau bão cũng cho năng suất khá. Cập cảng sau chuyến biển gần bờ sau bão, ông Ngô Văn Tiến (khối Phước Thịnh, Cửa Đại, TP.Hội An) khoe: “Bán được tất thảy 20 triệu đồng chỉ trong 2 ngày bám biển, trừ phí tổn chúng tôi thu được gần 15 triệu đồng. Với chuyến biển bội thu này, gia đình chúng tôi có thể sửa chữa lại chút đỉnh cho ngôi nhà bị hư hại do bão số 11”. Không riêng gì gia đình ông Tiến, nhiều ngư dân ở Cửa Đại cũng tỏ ra phấn khởi vì những chuyến biển đầu tiên sau bão trúng hơn so với ngày thường. Được mùa nên vừa cập cảng là ai cũng tranh thủ thời gian để tiếp tục ra biển sản xuất.
>> Cầu cứu hỗ trợ kinh phí kéo tàu mắc cạn Ông Phạm Phú Đức ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh(huyện Thăng Bình), chủ tàu cá QNa-95555, công suất 450CV, vừa có đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, địa phương xin hỗ trợ kinh phí để kéo tàu mắc cạn do bão số 11. Được biết, để phòng tránh bão số 11, ông Đức cho tàu neo đậu ở bến sông thôn Sâm Linh Tây (xã Tam Quang, Núi Thành) nhưng gió bão đánh chiếc tàu trôi dạt lên bờ. Ông Đức cho biết, để kéo chiếc tàu này xuống nước trở lại, phải có ít nhất 50 triệu đồng thuê máy hút nước nhưng hiện gia đình rất khó khăn, nhiều chuyến biển gần đây liên tiếp thua lỗ nên gia đình lâm vào cảnh nợ nần, không biết tìm đâu ra nguồn kinh phí để khắc phục sự cố. Ông rất mong sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các cơ quan đơn vị, địa phương. M.Đ |