T2, 06/07/2020 10:37

Quảng Bình: Nhiều ngư dân Cảnh Dương trắng tay sau bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau 2 trận bão số 10 và 11, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có tổng thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại về tàu thuyền của ngư dân là 20 tỷ đồng.

Theo ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương: Mặc dù Cảnh Dương không bị mất mát về người, mức độ thiệt hại về tài sản chung không nhiều, nhưng ngư dân là đối tượng bị tổn thất lớn nhất. Hiện tại toàn xã có 14 hộ gia đình ngư dân đang lâm vào cảnh trắng tay do tàu thuyền đã bị bão đánh chìm.

Theo thống kê của UBND xã Cảnh Dương, sau 2 trận bão số 10 và 11, trên địa bàn xã có 3 trường học và 1 trạm y tế bị tốc mái, vỡ kính; trên 200 ngôi nhà bị tốc mái (trong đó 7 nhà bị tốc mái hoàn toàn); 28 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ bị thiệt hại; chợ Cảnh Dương bị tốc mái trên 600m2; có 14 ha rừng dương liễu bị thiệt hại trên 65%…

Ngay sau khi bão đi qua, UBND xã đã động viên các trường học, trạm y tế và các hộ dân có nhà bị tốc mái nhanh chóng khắc phục thiệt hại bằng khả năng tự có của mình, tuyệt đối không trông chờ ỷ lại nhằm sớm ổn định cuộc sống và trở lại hoạt động bình thường. Riêng đối với thiệt hại tại chợ, nhằm bảo đảm cho các tiểu thương tiếp tục hoạt động kinh doanh buôn bán, UBND xã đã thuê người lợp lại mái nhưng do mất điện và mưa kéo dài nên hiện tại vẫn chưa khắc phục xong, dự kiến đến khoảng 25-10 sẽ hoàn thành.

Cho đến thời điểm này, cơ bản mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân trên địa bàn xã đã trở lại bình thường. Riêng một số hộ ngư dân có tàu bị đánh chìm thì còn gặp rất nhiều khó khăn vì lâm vào cảnh trắng tay.

Anh Nguyễn Chí Liên bên “con tàu” vỡ vụn sau bão. 

Anh Nguyễn Chí Liên bên “con tàu” vỡ vụn sau bão.

Cảnh Dương là địa phương đất chật người đông, ba bề sông biển bao bọc nên đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất ngư nghiệp. Trong khi tàu thuyền, tài sản lớn nhất và cũng là phương tiện làm ăn chính của gia đình bị mất đi thì rõ ràng cuộc sống của họ lâm vào cảnh khốn khó đến tận cùng.

Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho chúng tôi biết: Sau bão số 10, toàn xã có 78 tàu thuyền đánh bắt hải sản bị thiệt hại với tổng giá trị 20 tỷ đồng, trong đó có 39 tàu thuyền bị thiệt hại nặng từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Trong số 39 tàu thuyền này có 9 tàu thuyền bị mắc cạn, 16 tàu thuyền bị đắm tại bến và 14 tàu thuyền bị đắm hoàn toàn chỉ trục vớt được máy.

Trước những thiệt hại trên, chính quyền xã đã động viên các chủ tàu thuyền nỗ lực tự trục vớt tàu thuyền, khắc phục hư hỏng nhằm ổn định hoạt động sản xuất. Chỉ sau bão khoảng 1 tuần, hầu hết các tàu thuyền bị va đập nhẹ, vỡ cabin (thiệt hại khoảng 20 đến 30 triệu đồng) đã được ngư dân khắc phục xong và tiếp tục vươn khơi. Riêng đối với những tàu thuyền bị đắm, các chủ phương tiện đã lâm vào cảnh trắng tay vì toàn bộ vỏ tàu bị hư hại hoàn toàn, bộ phận duy nhất có thể tiếp tục sử dụng được đó là phần máy.

Trong số 14 hộ ngư dân bị tổn thất nặng này, có hộ còn nợ tiền đóng mới tàu thuyền (từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng), có hộ may mắn vừa trả xong nợ nhưng cuộc sống của cả gia đình họ đều phụ thuộc vào phương tiện làm ăn chính đó là chiếc tàu đánh cá. Hiện tại, họ thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu để có số tiền hàng trăm triệu đồng đầu tư lại một phương tiện làm ăn mới. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vì không có điều kiện để đầu tư lại tàu thuyền mới, có một số hộ ngư dân ở Cảnh Dương đã từ chủ phương tiện trở thành thuyền viên cho tàu thuyền khác.

Gia đình ông Phạm Đức Lương, thôn Đông Dương là 1 trong số 14 hộ ngư dân bị trắng tay sau bão. Chỉ tay vào những tấm gỗ không còn nguyên vẹn mà gia đình trục vớt được đang nằm yên trước sân nhà, ông Lương nói trong nghẹn ngào: Phương tiện cho cơm áo gạo tiền của gia đình tôi giờ đây đã trở thành đống vỡ vụn. Gia đình ông Lương sắm con thuyền này được 4 năm, với tổng giá trị trên 250 triệu đồng. Sau từng ấy năm bám biển, vừa nuôi sống gia đình (vợ và 3 đứa con), vừa trả gần hết nợ thì thiên tai ập đến đã lấy đi của ông tất cả.

Hiện tại, phần máy của tàu có thể tận dụng được, ông Lương lại phải tiếp tục tìm cách vay mượn để mua vỏ thuyền cũ nhằm tiếp tục cuộc sống sinh nhai. Với giá một vỏ thuyền hiện tại ít nhất khoảng 200 triệu đồng, vậy là cuộc sống nợ nần lại vây quanh ông Lương thêm một lần nữa. Gia đình thứ hai chúng tôi có dịp tiếp xúc đó là vợ chồng anh Nguyễn Chí Liên và chị Phạm Thị Lĩnh, thôn Liên Trung.

Vợ chồng anh Liên sắm con tàu vừa bị bão đánh chìm được 4 năm, đến nay vẫn trả chưa xong số tiền nợ gần 200 triệu đồng vay mượn từ anh chị em trong gia đình. Lâu nay, nghề biển dẫu lắm đắng cay nhưng cũng đã giúp anh Liên nuôi sống bố già 84 tuổi cùng vợ và 2 đứa con thơ dại. Kể từ sau bão đến nay, mất thuyền, cuộc sống của gia đình anh dường như đi vào ngõ cụt. Việc mua sắm lại vỏ tàu cũ hoàn toàn nằm ngoài khả năng của vợ chồng anh Liên trong điều kiện hiện nay chứ chưa nói đến việc đầu tư một con tàu mới để tiếp tục sản xuất.

Cũng theo ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, trong số 14 hộ ngư dân có tàu bị bão đánh chìm, hộ thiệt hại ít nhất là 200 triệu và hộ nhiều nhất là 500 triệu đồng. Ước nguyện lớn nhất hiện nay của hầu hết hộ ngư dân nói trên là được các tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi để đóng mới hoặc mua lại vỏ tàu thuyền nhằm tiếp tục vươn khơi, ổn định cuộc sống. Hy vọng ước nguyện đó của ngư dân xã Cảnh Dương sẽ sớm trở thành hiện thực để họ thoát khỏi cảnh khó khăn tận cùng hiện nay.

Hiền Chi

Báo Quảng Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!