T2, 06/07/2020 10:37

Nghề thúng chai ở Gành Rái

Chưa có đánh giá về bài viết

Vịnh Gành Rái có ý nghĩa quan trọng trong việc thông thương hàng hóa đường thủy ở Đông Nam bộ, nhất là TP Hồ Chí Minh.

Trải dài hàng chục hải lý, là nơi đổ về Biển Đông của nhiều con sông lớn (Lòng Tàu, Thị Vải, Đồng Tranh, Dinh Bà…), đây còn là ngư trường lớn khai thác thủy sản. Do cấu tạo địa chất, mớn nước thấp, vùng biển này chỉ thích hợp ghe nhỏ, nhất là thúng chai với các nghề câu, kéo, vây, đóng đáy và lưới mành cỡ nhỏ.

 

Đêm vào lộng

Chúng tôi có mặt ở bãi cát dài của cảng cá Bến Đá thuộc xã đảo Long Sơn (Vũng Tàu) khi mặt trời sắp sang bên kia dãy núi Nứa. Đây cũng là lúc ngư dân làm nghề thúng chai chuẩn bị bắt đầu chuyến biển. Ở đó, những chiếc thúng chỉ rộng hơn hai mét được sơn xanh màu biển. Theo ngư dân Nguyễn Văn Hoài thì quanh vùng có hàng trăm ngư dân thúng chai, vì vùng Gành Rái này sóng êm biển lặng rất thuật lợi cho nghề thúng. Ngư dân chủ yếu dùng thúng chai thả lưới vây. Anh Hoài cho biết: “Mỗi thúng chai thường có hai người. Những đêm đi lộng cả hai cùng thả lưới. Thả hết thì quay lại thu lưới. Lưới vây rộng khoảng 10 mét, dài thì tùy theo. Với thúng chai thì lưới vây dài chừng nửa hải lý (gần 1km), thúng đôi lưới có thể dài hơn. Sản phẩm mùa này dân thúng chai thường bắt được là cá. Vịnh Gành Rái có nhiều loại cá (hố, nục suôn, thu, ghẹ…). Mỗi đêm vào lộng như thế, trung bình một thúng chai đánh bắt được gần chục kilogam cá, với giá bán hiện nay họ có thể thu về chừng 200.000 đồng, sau khi trừ chi phí xăng dầu.

Chuẩn bị ngư cụ cho một chuyến ra vịnh vào lộng

Nghề thúng chai đi gần bờ nhưng nguy hiểm không kém nghề khơi khác. Thúng nhỏ, khó điều khiển, nếu chẳng may gặp bất trắc; chỉ cần một tàu lớn ngang qua, sóng cũng đủ đánh văng một chiếc thúng chai. Tuy nhiên, vất vả nhất phải là việc gỡ lưới, nếu chẳng may bị dính vật nặng dưới biển, khi ấy một người phải nhảy xuống biển gỡ ra chứ nếu kéo lên, cả mành lưới sẽ bị đứt. Lưới vây nếu đứt một đoạn, coi như cả mành lưới bị vô dụng. Nhiều người chỉ vì gỡ lưới khi đi thúng mà bị tai nạn, nhẹ thì chấn thương, nặng có thể mất mạng.

Với những người làm nghề thúng chai, bên cạnh việc chuẩn bị lưới, xăng dầu, thức ăn, nước uống… thì thúng nào cũng được cột một lá cờ Tổ quốc. Đây là quy định bất thành văn của ngư dân đi biển, dù gần bờ hay xa bờ. Với tàu thuyền lớn, rộng, cắm một lá cờ là việc đơn giản. Với những thúng chai nhỏ, phải chứa nhiều ngư cụ nên gắn cờ là rất khó; cán cờ phải được làm bằng gỗ chắc, có lõi sắt bên trong, hàn dính với thành ghe. Thúng chai hình tròn, không có mũi và đuôi như ghe thuyền thông thường nên thường bị quay tròn khi sóng gió mạnh, dễ làm hỏng cờ, nên cứ vài chuyến biển lại phải thay cờ một lần.

 

Hạnh phúc người nghèo

Theo nhiều người dân trong vùng, quanh vịnh Gành Rái này thì thúng chai là nghề khai thác cổ xưa nhất. Trải nhiều thời gian, thúng chai không còn giữ được vị thế của mình với đời sống ngư dân như xưa, do những loại ghe thuyền lớn tiện dụng hơn, nhưng nó vẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là với ngư dân nghèo, chỉ đi biển theo ngày, khai thác quanh khu vực vịnh. Theo đó, thúng chai là một cứu cánh giúp họ an tâm bám biển mưu sinh. Tâm sự chuyện này, chị Phan Thị Kiều (Gò Găng, phường 12, TP Vũng Tàu), đã nhiều năm cùng chồng đi nghề thúng chai, cho biết: Với nhiều ngư dân, phải bỏ ra cả trăm triệu hay tiền tỷ mua một chiếc tàu, ghe ra khơi là ngoài khả năng. Ngay cả việc vay vốn ngân hàng mua cũng rất khó, nếu không có tài sản thế chấp. Vì thế, chỉ cần đầu tư vài triệu đồng mua chiếc thúng chai là có thể “sống khỏe” trên vùng biển quê mình rồi. Mà lại không phải đi xa, chỉ trong đêm tới sáng hôm sau là có thể về cảng, ít bị rủi ro bất trắc.

Đời thúng chai

Tuy nhiên, nghề thúng chai ở đây đã không dừng ở việc đánh bắt gần bờ; nó còn liên kết để vươn xa nữa. Nhiều thúng chai đã vượt khỏi vịnh Gành Rái, tiến về vịnh Đồng Tranh, nơi được bao bọc bởi hai bán đảo Cần Thạnh (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) và Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Tại vịnh Đồng Tranh, do lượng tàu thuyền ra vào ít hơn nên trữ lượng thủy sản khá dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, vì gắn động cơ nhỏ, chừng 10CV trở xuống nên thúng chai khó đi xa, chỉ trong một đêm có thể chạy từ vịnh Gành Rái qua vịnh Đồng Tranh khai thác và quay về được nên ngư dân nghĩ ra cách liên kết nhiều thúng chai với nhau. Khoảng 15 – 20 thúng sẽ được đặt chung lên một ghe 45CV rồi chạy qua vịnh Đồng Tranh để vào lộng khai thác, sau một đêm lại về. Cách làm này đang được nhiều ngư dân thúng chai ở Cần Giờ và Long Sơn áp dụng.

Sau một đêm lênh đênh trên vịnh, họ sẽ về bờ với sản phẩm là những thùng cá, tôm, cua ghẹ, mực tươi ngon. Và ở những vùng biển nhiều ngư dân làm nghề thúng chai, thường có những phiên chợ biển buổi sớm thu hút rất đông khách mua bán, bởi ở đó dễ tìm được đồ thủy sản tươi ngon, mà không phải qua ướp đá lạnh.

Đoàn Đại Trí

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!