T2, 06/07/2020 10:37

Xã Khánh Hội (Cà Mau): Nỗ lực để ngư dân đánh bắt an toàn

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau chỉ sau Sông Đốc, cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh là nơi hội tụ nhiều nguồn lợi thuỷ sản có giá trị kinh tế cao.

Qua cơn bão số 5 năm 1997, hàng trăm ghe biển bị hư hỏng nặng và mất tích, gần nửa ngàn ngư phủ mãi mãi nằm lại dưới biển khơi. Khánh Hội  tưởng chừng như khó phát triển được về mọi mặt.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm và hỗ trợ đầu tư đúng mức của các cấp chính quyền, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần “thay da đổi thịt”. Hơn 350 phương tiện khai thác ngày đêm bám biển, đời sống người dân vùng biển ngày càng phát triển.

Cửa biển Khánh Hội là nơi phát triển mạnh nghề câu mực xa bờ. Sản lượng mực hiện nay đang được các thương lái Trung Quốc thu mua ngày càng tăng. Nếu “mưa thuận, gió hoà”, một vài năm tới cửa biển Khánh Hội sẽ thu hút đầu tư, mở rộng giao thương, đời sống người dân sẽ khấm khá hơn.

Đại uý Lê Thanh Sử, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Khánh Hội, cho biết: Nghề câu mực của ngư dân nơi đây phát triển mạnh. Để tăng thêm sản lượng khai thác, nhiều chủ ghe đã lén lút qua tận các vùng biên giới của các nước bạn để khai thác. Điều này hiện nay rất phổ biến và mức độ nguy hại cao.

 

Người dân Khánh Hội an tâm phát triển nghề biển.

Thượng uý Bùi Thanh Vạn, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Khánh Hội, cho biết: Để người dân đánh bắt an toàn và thuận lợi, các ghe biển được trang bị 100% phương tiện liên lạc theo quy định, tuỳ theo mức độ đầu tư của các chủ ghe ít hay nhiều, chức năng điện đàm từ xa sẽ phát huy tối đa từ 20-40 hải lý.

Đây là điểm mấu chốt quan trọng giúp cho các ghe biển kiểm soát được toạ độ đánh bắt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng dễ theo dõi và giám sát chặt chẽ. Ngoài hai đội tàu an toàn gồm 20 chiếc nhằm ứng cứu trong những tình huống cần thiết, vào tháng 9/2013, đơn vị cho ra đời thêm một đội cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đội này gồm 10 chiếc làm nòng cốt những khi có dông, bão xuất hiện.

Được biết, hằng năm Sở NN&PTNT triển khai thực hiện tốt Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của UBND tỉnh. Đề án này dành cho các thuyền viên, máy trưởng, thuyền trưởng, kỹ thuật khai thác… giúp ngư dân đánh bắt được an toàn và mang lại hiệu quả cao.

Các lớp này do các chuyên gia, giáo viên của Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thuỷ sản Trường Đại học Nha Trang trực tiếp giảng dạy. Những lớp đào tạo ngắn này sẽ giúp ngư dân có thêm kiến thức về độ an toàn và hiệu quả trong khai thác thuỷ sản.

Thời gian tới, tất cả những người tham gia đánh bắt trên biển đều phải có giấy chứng nhận nghề cần thiết theo quy định mới được ra khơi, nhằm bảo đảm công tác quản lý và mức độ an toàn cho người dân khi tham gia đánh bắt xa bờ.

Đồn biên phòng Khánh Hội và Trạm Kiểm soát biên phòng luôn thực hiện nghiêm túc chế độ ứng trực để kịp thời ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Lực lượng biên phòng thường xuyên tuần tra, kiểm soát bằng đường biển và đường bộ.

Qua đó, phối hợp với công an địa phương bảo vệ tài sản của ngư dân và tình hình an ninh trật tự trong khu vực quản lý, giúp người dân an tâm đầu tư các trang thiết bị để phục vụ khai thác.

Toại Nguyện

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!