Mùa cà ra ở Ba Chẽ bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Cà ra có người còn gọi là cua lông, có hình dáng gần giống như con rạm vùng đồng bằng nhưng to hơn nhiều, có con nặng đến 2 lạng. Hiện cà ra chỉ tồn tại trong tự nhiên, chưa ai nuôi được. Sông Ba Chẽ đầy nét hoang dã, là nơi sinh sống của cà ra.
Bắt cà ra trên sông Ba Chẽ.
Chưa có cách nào nuôi được cà ra
Ba Chẽ có khoảng 50 hộ chuyên sống bằng nghề săn bắt cà ra theo mùa, chủ yếu tập trung ở thị trấn và xã Thanh Sơn – xã khó khăn nằm cách trung tâm huyện khoảng 8km. Sông Ba Chẽ kéo dài suốt chiều dọc của huyện, nhưng chỉ có ở một số địa phương có cà ra sinh sống. Nhiều người đã “đau đầu” tìm cách đưa những con cà ra béo ngậy về “ao” nuôi của mình, nhưng đều thất bại. Năm 2004, đã có một “đại gia” thuê 3ha ở xã Đồng Rui (Tiên Yên) để nuôi cà ra, nhưng kết quả, phần thì chết, phần thì cà ra leo qua bờ ra ngoài, còn chủ nhân của nó thì “hết cách”. Cà ra chỉ xuất hiện theo mùa và chúng leo trèo rất giỏi. Đã có nhiều người tính chuyện dùng lưới chắn cả đoạn sông để nuôi cà ra tự nhiên, nhưng cũng thất vọng. Mùa hè, cà ra ẩn mình dưới lòng sông, nhưng sang mùa thu đông chúng ngoi lên rồi trèo qua các mắt lưới rất tài tình rồi thoát ra ngoài. Cuối cùng với cách này hay cách khác, người mang ý định nuôi cà ra vẫn chưa tìm được cách gì để “trị” được loại vật khó tính này, đành phải chấp nhận săn cà ra theo mùa.
Theo thời giá hiện nay tại chợ Ba Chẽ, mỗi kg cà ra giá 100.000 đến 120.000 đồng/kg.
Chuyện của người đánh bắt cà ra
Ở thị trấn Ba Chẽ có 15 hộ chuyên nghề bắt cà ra. Ông Đinh Văn Ngọc ở khu 5, thị trấn là người có tiếng về nghề này. Trong ngôi nhà nhỏ của ông vừa là nơi tiếp khách, vừa là nơi để ông bày biện đồ nghề bắt cà ra, đó là những chiếc lồng dài từ 4-5m, khi cần có thể gập gọn lại được. Ông Ngọc bảo đây là “lồng bát quái”, chỉ loại ngư cụ này mới có thể giam được con cà ra suốt đêm trong lồng, khi chúng chui vào đó. Đến ông là đời thứ 3 trong gia đình bám con sông Ba Chẽ sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Nhưng ông mới làm nghề bắt cà ra bằng lồng bát quái từ 3 năm nay. Những năm trước, ông bắt cà ra bằng lưới đánh cá. Bắt cà ra bằng lưới rất vất vả, vì chủ yếu bắt vào ban đêm và phải thức suốt đêm trên sông. Bây giờ có “lồng bát quái”, ông có thể ngủ sau khi thả lồng, lại bắt được nhiều cà ra hơn.
Ban đầu ông hơi ngần ngại, nhưng sau rồi cũng đồng ý cho tôi “mục sở thị” công việc của ông. Buổi tối hôm ấy, tôi theo ông Ngọc ra bờ sông. Ông xếp gọn những chiếc lồng thành 2 chồng lớn, rồi oằn lưng gánh ra bờ sông. Ông Ngọc khua nhẹ mái chèo, con thuyền lướt nhẹ trên dòng sông còn nhiều nét hoang sơ. Sông Ba Chẽ từ khu vực thị trấn về phía xã Nam Sơn sâu và rộng hơn các khu vực khác, có đoạn rộng đến vài trăm mét. Ông Ngọc từ từ thả khoảng 100 chiếc “lồng bát quái” trên chiều dài khoảng 6km từ khu 5 thị trấn Ba Chẽ qua xã Nam Sơn. Trong lồng có mồi là cá khô, mà theo ông là “món ăn khoái khẩu của cà ra”. Ông Ngọc bảo, người làm nghề tự phân định với nhau khu vực thả lồng. Công việc của ông kết thúc lúc nửa đêm. Sáng sớm hôm sau ra thu lồng về, được khoảng 4-5kg cà ra, giá bán từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Cà ra được bày bán ở chợ Ba Chẽ.
Xã Thanh Sơn cũng là nơi có nhiều người làm nghề bắt cà ra. Dòng sông qua khu vực xã nhiều đoạn chảy mạnh. Thanh Sơn có thác Trúc, về mùa mưa nước chảy rất xiết. Trước đây, khi chưa có con đường 330 nối liền thị trấn Ba Chẽ với xã Lương Mông như bây giờ, người dân phải đóng bè hoặc chèo thuyền nhỏ xuôi theo dòng sông và thác Trúc, rất nguy hiểm, bởi địa hình nhiều mỏm đá gồ ghề, nhiều dải đá ngầm. Nhưng địa hình này lại là nơi sống thích hợp của cà ra. Vì thế mà Thanh Sơn có đến 20 hộ chuyên làm nghề bắt cà ra theo mùa. Cà ra bắt được nhiều khi chỉ tiêu thụ tại xã cũng không đủ, tuy số lượng hàng ngày lên đến hàng tạ. Các lái buôn cà ra ở Hạ Long, Cẩm Phả muốn thu gom nhiều phải đặt trước. Ở Thanh Sơn có Nhà hàng 100 tiêu thụ cà ra rất mạnh. Ông Trương Văn Giêng, chủ nhà hàng cho biết: “Đôi khi, chỉ từ món cà ra chao mỡ, cà ra nấu canh đã thu hút được khách đến với nhà hàng…”. Cà ra được bóc vỏ, bỏ càng, chặt đôi, rồi cho vào chảo chao mỡ. Những miếng cà ra đầy ắp gạch vàng thật thơm, chỉ nhìn đã không thể cưỡng được ý muốn thưởng thức món đặc sản này. Cách chế biến nữa là cà ra được giã nhỏ nấu với rau bồ công anh, là loại rau rất ngon ở Ba Chẽ, vừa là món ăn ngon, vừa là vị thuốc bổ dưỡng.
Theo ông Đinh Văn Ngọc, thì cà ra chỉ sống ở nước “đài hai” (tiếng địa phương chỉ loại nước sông khi có nước biển tràn vào thì mang vị mặn, nhưng khi nước biển rút thì vẫn là nước ngọt). Cà ra rất kén môi trường sống, nên hầu như chúng chỉ có nhiều ở sông Ba Chẽ vì môi trường sống còn thích hợp. Có một vài nơi thuộc Đầm Hà và Tiên Yên cũng có cà ra, nhưng rất ít. Ở TP Cẩm Phả có con sông Mông Dương cũng là nước “đài hai”, nhưng tuyệt nhiên không có cà ra sinh sống vì các dòng suối bị ô nhiễm. Ông Ngọc bảo: “Sợ nhất là người dân sử dụng thuốc say để đánh bắt cá. Họ chặn một khúc suối rồi thả thuốc cho cá say lờ đờ. Đoạn sông nào bị nhiễm thuốc này thì cà ra rụng chân rồi chết hết; phải mất khoảng 3 tháng sau mới thấy cà ra xuất hiện trở lại…”.
Như vậy để cà ra tồn tại và phát triển, đem lại một nguồn lợi không nhỏ cho người làm nghề, cũng như tạo ra nét rất riêng cho hương vị ẩm thực Ba Chẽ, thì hiện tại chưa có cách bảo tồn nào tốt hơn là giữ cho môi trường được trong sạch.