Bình Phước: Thăng trầm nghề nuôi cá lăng nha

Chưa có đánh giá về bài viết

Lăng nha là loài cá bản địa của Bình Phước, thịt thơm ngon và có giá trị thương phẩm cao. Phần lớn cá lăng nha được cung cấp từ nguồn khai thác đánh bắt của người dân sống tại các lòng hồ thủy điện và ven dòng sông Bé, là nguồn thu nhập chính của nghề câu cá lòng hồ.

Khi nguồn khai thác giảm, người dân đã trữ lại những con cá nhỏ nuôi trong bè. Mỗi hộ nuôi vài chục đến vài trăm con. Những người có vốn, bè rộng nuôi đến vài ngàn con. Nguồn thức ăn chính của cá lăng nha nuôi là cá tạp đánh bắt từ lòng hồ. Từ năm 2000 đến 2005, cá lăng nha nuôi ở các bè có giá bán dao động 120 -180 ngàn đồng/kg. Thu nhập từ những bè nuôi cá lăng nha đã làm thay đổi bộ mặt của làng bè. Chỉ cần nuôi 500 con khi xuất bán với trọng lượng trung bình 2kg/con đã thu vào hàng trăm triệu đồng, lợi nhuận từ nuôi cá mang lại rất lớn.

Từ vài chục người nuôi làng bè trong tỉnh dần phát triển lên hàng trăm người nuôi, số lượng cũng tăng theo. Xã Đức Liễu hiện có 70 bè nuôi cá; thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (TX. Phước Long) 40 bè; xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) 23 bè; xã Lộc Quang (Lộc Ninh) 17 bè… tổng cộng khoảng trên 400 bè. Trong đó 90% nuôi cá lăng nha, 10% nuôi cá điêu hồng, cá lóc; một số ít nuôi bống tượng, chép, rô phi.

 

Cá lăng nha nuôi bè ở hồ Thác Mơ

Nuôi cá lăng đã trở thành làng nghề và các hoạt động dịch vụ đi kèm theo đó phát triển. Sự gia tăng về số lượng cũng như sản lượng cá lăng nha nuôi bè là do thành công trong việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo loài cá này. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lăng nha không tránh khỏi quy luật cung cầu cũng như biến động thị trường đang làm điêu đứng người nuôi.

Theo ước tính sơ bộ, toàn tỉnh Bình Phước đang tồn đọng trên 100 tấn cá lăng thương phẩm, có trọng lượng 1 – 1,5 kg/con nhưng không có đầu ra, đặc biệt là lượng cá chưa đạt thương phẩm. Chỉ tính ở thôn 10, xã Đức Liễu (Bù Đăng) có 7 hộ nuôi cá lăng hiện đang tồn đọng khoảng 25 tấn cá thương phẩm. Trước đây, cá lăng nha chỉ tiêu thụ ở hệ thống nhà hàng và các quán nhậu hạng sang, tuy nhiên sức tiêu thụ của hệ thống này đang có chiều hướng giảm. Người nuôi càng lớn lỗ càng cao. Tại những làng bè hiện nay, thương lái chỉ trả 55 – 60 ngàn đồng/kg cá thương phẩm, trong khi giá thành sản xuất 70 – 72 ngàn đồng/kg. Ông Hai Nô, ở xã Đức Liễu cho biết: Đa số các hộ nuôi bè hiện không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên phải vay ngoài và nợ các đại lý. Người nuôi bè chúng tôi rất mong bán được cá để trả nợ và có vốn quay vòng đầu tư trở lại.

Để giải quyết đầu ra, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền và ngành chức năng, người nuôi cũng cần tìm cách tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm của chính mình. Nếu được bán rộng rãi tại các chợ, sạp kinh doanh, hệ thống phân phối nhỏ lẻ thì đầu ra của cá lăng nha sẽ không còn khó khăn.                                           

Phước TS

Báo Bình Phước

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!