Sau hàng chục năm “hội nhập”, chiếm trên 90% thị phần thế giới, nhưng đến nay, cá tra Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng, vẫn phải loay hoay tìm thị trường và chịu cảnh bị o ép giá bán. Điều gì dẫn đến thảm cảnh này?
Dự báo để… cho có
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong một nghiên cứu trình bày tại hội nghị về cá tra do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 21/8/2013, cho thấy từ năm 2011 lại đây công tác dự báo luôn có sai lệch lớn. Các dự báo đầu năm 2011 đều cho rằng sẽ thiếu nguyên liệu dài dài. Ngày 18/1/2013, tại hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2010, Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng dự báo năm 2011 cả nước nuôi khoảng 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu, dự kiến thu được 360.000 – 380.000 tấn fillet, giảm 40% so năm 2010. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP, xác định năm 2011, ngành chế biến cá tra sẽ tiếp tục bị gián đoạn nguyên liệu vào các tháng 6, 7, 8 và tình trạng này còn tác động đến năm 2012. Nhưng thực tế năm 2011, diện tích nuôi tương đương năm 2010, sản lượng tăng 50.000 tấn; xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Sau đó là việc đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2012 đạt 2 tỷ USD, nhưng thực tế chỉ đạt 1,74 USD.
Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ gặp khó về nguyên liệu – Ảnh: An Đăng
Vẫn nghiên cứu của TS Dũng: Năm 2013, đầu năm dự báo sản lượng giảm mạnh, xuất khẩu vào Mỹ cũng giảm. Đến hết tháng 7, giá cá vẫn giảm mạnh nhưng xuất khẩu vào Mỹ lại tăng hơn 10% so cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu vào Mỹ tăng liên tục từ năm 2000 đến 2013, bất chấp các vụ kiện chống bán phá giá và cảnh báo của VASEP; đặc biệt, giá xuất khẩu trong các năm 2003 – 2004 (là những năm áp thuế) bình quân hơn 4 USD/kg.
Xuất khẩu loạn giá, hiệu quả ở đâu?
Theo Tổng cục Thủy sản, giá xuất khẩu vào Mỹ từ sau năm 2007 chỉ xoay quanh 3 USD/kg, càng gần đây, giá còn xuống thấp nữa, với tình hình khá hỗn loạn và có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp luôn xuất với giá cao nhất là Công ty TNHH Thương mại Tâm An, bình quân 6,6 – 6,82 USD/kg/tháng. Chỉ có tháng 7, Công ty TNHH Thanh Hùng xuất với giá bằng Tâm An, bình quân 6,6 USD/kg. Còn lại, doanh nghiệp xuất với giá cao thứ hai cũng thua xa Tâm An: Tháng 1, đứng thứ hai là Công ty TNHH Tân Thành Lợi có giá bình quân 4,87 USD/kg; tháng 4, đứng thứ hai là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An có giá bình quân 3,51 USD/kg.
Doanh nghiệp xuất với giá thấp nhất là Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Hòa Phát, bình quân 1,21 USD/kg, trong tháng 3/2013. Một số doanh nghiệp luôn xuất khẩu với giá dưới 2 USD/kg. Giá xuất khẩu như thế cho thấy quy định của VASEP hai năm trước (giá sàn xuất vào Mỹ 3 USD/kg) đã phá sản. Thế nhưng theo báo cáo của VASEP, cá tra Việt Nam vẫn được nhiều nước khác ưa chuộng, dù kinh tế thế giới khủng hoảng. Tháng 7/2012, chỉ có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cá tra; tháng 7/2013, con số này đã lên 137. Nếu thống kê giá xuất khẩu của 152 doanh nghiệp đến 137 thị trường, chắc còn thấy bức tranh hỗn loạn hơn nữa.
Trong báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2013: “Sản phẩm chế biến GTGT chỉ chiếm khoảng 5%”. Nhưng báo cáo 7 tháng đầu năm 2013, Bộ này lại cho biết, sản phẩm chế biến GTGT chỉ chiếm 0,7%. Dù nghi ngờ thống kê có sai số thì thực tế cũng không thể chối cãi, có nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu nguyên con. Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá xuất cá tra nguyên con là 1 USD/kg, một số doanh nghiệp khác xuất cá tra bỏ đầu và nội tạng với giá 1,5 – 1,6 USD/kg. Mức giá này dưới cả giá thành nuôi. Vậy hiệu quả chế biến xuất khẩu ở đâu? Làm sao bàn được chuyện phát triển bền vững?
Trong “bức tâm thư gửi lãnh đạo Đảng” ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An (Cần Thơ), đã viết: Xuất khẩu mà bán rẻ sản phẩm nông nghiệp là coi thường sức lao động, sức sáng tạo của nông dân, chỉ làm còng lưng thêm người nông dân vì nợ nần trĩu nặng, là bán rẻ tài nguyên thiên nhiên. Đến lúc nào đó nông dân không làm nổi nữa thì đất nước này còn gì?”.
Một ý kiến rất đáng cho những ai quan tâm sản phẩm cá tra Việt Nam suy nghĩ, nhất là trong tình hình hiện nay!