Con sứa màu trắng bạc từ lòng biển vốn dễ gây ngứa ngáy khó chịu cho những ai chạm vào nó. Nhưng với những người dân sáng tạo và nhạy bén với thị trường ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chúng đã trở thành những “thỏi bạc”.
Với diện tích 3.000m2 bao gồm khu chế biến, sản xuất và đóng gói, mỗi năm xưởng sản xuất sứa biển của gia đình ông Bùi Văn Điển, ở khu 4 thị trấn Cô Tô xuất ra thị trường 2 – 3 vạn thùng sứa thành phẩm các loại. Đây là một trong nhiều xưởng làm ăn khấm khá, có hiệu quả nhất của đảo Cô Tô hiện nay. Ông Điển là một trong những người dám đầu tư bãi, xưởng sản xuất sứa thành phẩm đầu tiên của huyện Cô Tô, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu thu mua sứa và họ rất thích món ăn này.
Hoạt động từ năm 2003 đến nay, mỗi năm, xưởng của ông Điển giải quyết 40 lao động trong vụ sứa, cho thu nhập 20 – 30 triệu đồng/người. Để tạo ra được sản phẩm sứa, những công nhân phải chia làm nhiều tổ. Chủ xưởng thuê công nhân cắt đầu, cắt chân to, chân bé, mo riêng cho vào máy quay trong 6 tiếng, 10 tiếng, có khi 20 tiếng để nhớt văng đi hết, sau đó đổ muối, giấm thanh vào quay tiếp. Sứa được ngâm trong muối với độ mặn khoảng hơn 20%, đặc biệt lưu ý phải đo độ mặn thật kỹ, để con sứa sạch hơn, cứng hơn, trắng hơn, khử bỏ chất tanh đi. Khi chất lượng ổn rồi thì đóng thùng gỗ. Sứa bọc trong túi nylon, ngoài ốp gỗ thông, mỗi thùng 12 – 13kg, chờ xuất đi nước ngoài.
Về kỹ thuật chế biến, người dân ở Cô Tô phải thuê kỹ thuật từ nước ngoài. Nhưng những người như ông Điển đã chủ động học hỏi để biến kiến thức thương lái nước ngoài thành của mình. “Mùa sứa đến, nếu cứ chờ thương lái nước ngoài đến hướng dẫn kỹ thuật, rồi họ trải qua đủ thứ giấy phép, thủ tục để bắt đầu công việc – thế là sứa nó trôi đi sạch. Chúng tôi phải bận rộn nhiều tháng để những tháng còn lại có thể tập trung nhân lực đón các chuyến tàu sứa” – ông Điển nhấn mạnh.
Ông Điển bây giờ có một căn biệt thự tiền tỷ, tiện nghi mua sắm trong nhà chẳng thua kém gì các “đại gia” ở đất liền, ở tại khu 4 thị trấn Cô Tô. Mỗi vụ sứa, gia đình ông bỏ túi ít nhất 400 – 500 triệu đồng, năm làm ăn được lên đến 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn tạo điều kiện cho những người khác cùng có thêm thu nhập, góp phần tạo ra một ngành hàng có lợi nhuận cao sau chế biến, góp phần xây dựng nông thôn mới, đời sống mới nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
>> Thực hiện nghiêm việc khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường biển, ông Điển đã xây dựng 2 bể xử lý chất thải có diện tích 35m3/bể. |