Bao giờ “cá lội ao nhà”?

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong mấy năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới, tăng trưởng đều cả về khối lượng lẫn giá trị. Hàng năm, các sản phẩm thủy sản vẫn được chú trọng đầu tư để “xuất ngoại”, còn thị trường nội địa “khơi nhưng chưa thông”.

Khó trong thích ứng

Theo nhiều doanh nghiệp, cái khó của thị trường nội địa là người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống, nên các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất hàng thủy sản đông lạnh, chế biến sẵn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng có nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại… thì việc tìm giải pháp nhằm phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa là yêu cầu cấp bách, nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này, nhiều công ty thủy sản đã chọn hướng đưa sản phẩm tới gần khách hàng hơn, thông qua các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị. Hoạt động này vừa cung ứng được nguồn thực phẩm an toàn, vừa góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho doanh nghiệp.

Không dễ đưa sản phẩm thủy sản vào siêu thị – Ảnh: CTV

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cho biết, đã có một vài doanh nghiệp chủ động “quay về” thị trường nội địa, điển hình như Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish). Từ cá basa, Agifish đã chế biến thành 10 mặt hàng phục vụ trong nước (như chả lụa, xúc xích, chạo sả, chả viên…). Không chỉ đưa sản phẩm chế biến từ cá tra, basa vào hệ thống siêu thị, Công ty còn mở rộng kênh phân phối vào nhà hàng, quán ăn, khu công nghiệp…

“Không phải người tiêu dùng không ưa chuộng hàng Việt Nam, chỉ là do doanh nghiệp chưa có giải pháp tiếp cận người tiêu dùng trong nước, mặt hàng làm ra chưa phù hợp, giá cả chưa hợp lý nên không tiêu thụ được ở thị trường nội địa”, ông Bình nhận định.

 

Và gian nan khâu “trung chuyển”

Đại diện của một công ty thủy sản ở Đồng Tháp cho biết, họ gặp khó khi đưa sản phẩm vào bán ở nhiều siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, bởi hầu hết các siêu thị đều nhận bán sản phẩm rất hạn chế (2 – 3 sản phẩm), mà Công ty lại có nhiều mặt hàng. Bên cạnh đó, các siêu thị còn yêu cầu phải trang bị hệ thống lạnh riêng cho sản phẩm. Đây là bài toán khó cho doanh nghiệp bởi việc đầu tư này khá tốn kém, trong khi lượng hàng bán ra mới ở mức trung bình.

Một lý do nữa khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản thờ ơ với thị trường nội địa là chi phí và chiết khấu của siêu thị khá cao, chiếm 7 – 15% giá thành sản phẩm, làm giảm lợi nhuận của nhà sản xuất. Tuy nhiên, mức chiết khấu này còn tùy vào khả năng thương lượng của nhà sản xuất và sức hút của sản phẩm. Nghĩa là sản phẩm càng bán chạy và khó thay thế thì nhà sản xuất càng có tiếng nói với siêu thị hoặc ít bị ép giá hay yêu sách.

Vị đại diện này cho biết thêm, cuộc đàm phán giữa nhà sản xuất với nhà bán lẻ là một cuộc đấu trí dành từng chút quyền lợi cho mỗi bên và phần thắng sẽ thuộc về bên có ưu thế. Theo đó, để tạo lợi thế trong “cuộc chiến” này, doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ, chất lượng tốt. Đây sẽ là những yếu tố thu hút người tiêu dùng, là tiếng nói quan trọng của doanh nghiệp khi thương lượng với nhà bán lẻ.

>> Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), mức tiêu  thụ thủy sản ở Việt Nam là 19,4 kg/người/năm (năm 1999), 22 kg/người/năm (năm 2007); 20 kg/người/năm (năm 2009) và khoảng 26,4 kg/người/năm (năm 2010). Và Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) dự báo, năm 2015, tiêu thụ thủy sản trong nước đạt khoảng 790.000 tấn.

Hồng Thắm - Hoàng Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!