Ngành cá tra hiện nay chứa đựng nhiều bất ổn, xuất khẩu yếu kém, từ dự báo đến loạn giá, nên chưa xây dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường. Và một vấn đề nổi cộm hiện nay là một số doanh nghiệp quay lại ép người nuôi, “thôn tính” vùng nuôi.
Nông dân mất ao nuôi
Ông Hồ Văn Nghĩa nuôi hơn 1,3 ha cá tra ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), vay Eximbank 600 triệu đồng, lãi suất 18,9%/năm. Trong lúc, tiền vay phải chịu lãi suất cao như ông nói “chưa lúc nào được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ”, thì cá tra bán cho doanh nghiệp lại bị nợ tiền.
Cá tra ông Nghĩa bán cho Công ty CP XNK Việt Ngư ở phường Mỹ Thới (Long Xuyên, An Giang) trị giá hơn 5 tỷ đồng, hẹn một tháng trả hết tiền nhưng chỉ trả được một ít, còn lại nợ kéo dài. Đến đầu năm 2013 còn hơn 3,1 tỷ đồng, Công ty Việt Ngư không trả nữa.
Gia đình ông từ chỗ khá giả, nay nghèo nàn, kiệt quệ. Hơn 1,3 ha ao nuôi cá tra đã phải cấn nợ cho đại lý bán thức ăn. Nhà cửa của gia đình ông bị Eximbank thông báo chuẩn bị kê biên phát mãi.
Tình cảnh như ông Nghĩa khá phổ biến trong người nuôi cá tra ĐBSCL. Chủ nhiệm HTX nuôi cá Châu Phú (An Giang) Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, có người nuôi cá bị doanh nghiệp nợ đã 3 năm “mà không biết làm sao đòi”. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho biết thêm, hợp đồng bán cá cho doanh nghiệp thường cam kết trả tiền sau 30 ngày nhưng hầu hết kéo dài nhiều tháng, có khi cả năm. Cũng vì vậy, người nuôi cá tra càng nuôi càng lỗ. Ông Hải nói: “Nông dân bán cá tra cho doanh nghiệp chỉ nhận được tờ giấy hợp đồng, doanh nghiệp trả tiền trễ hẹn nhiều tháng hoặc kéo dài hàng năm, giá trị nhiều tỷ đồng, nông dân phải nộp lãi hằng tháng cho ngân hàng. Việc xảy ra hơn chục năm nay nhưng chẳng ai làm được gì”.
Doanh nghiệp “lỗ kép”
Những năm gần đây doanh nghiệp phát triển vùng nuôi riêng khá rầm rộ. Bộ NN&PTNT báo cáo: “Trong năm 2011, ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của các doanh nghiệp chế biến hầu hết đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu được 60 – 70% công suất chế biến”. Đến giữa năm 2013, vẫn báo cáo của Bộ NN&PTNT, “hiện nay doanh nghiệp có vùng nuôi riêng ước tính khoảng 60% tổng diện tích nuôi của toàn vùng ĐBSCL, chủ yếu do một số doanh nghiệp có tiềm lực tăng cường đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu (bằng cách thuê lại ao của dân hoặc đầu tư xây dựng vùng nuôi riêng) và tận dụng lợi thế mua vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc được chiết khấu 8 – 10%”.
Hiện nhiều doanh nghiệp cá tra tự chủ nguyên liệu được 60 – 70% công suất chế biến – Ảnh: Ngọc Trinh
Được chiết khấu phần trăm, trong đó riêng thuế VAT đã 5%, là một lý do để doanh nghiệp hào hứng mở rộng vùng nuôi. Cũng vì thế, nhiều báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp mấy năm qua cho rằng doanh nghiệp nuôi thì giá thành cá tra nguyên liệu thấp hơn nông hộ nuôi diện tích nhỏ, khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Thực tế, nuôi cá tra không đơn giản như vậy. Không phải cứ được chiết khẩu tỷ lệ nào đó từ thuế VAT cho đến vật tư đầu vào thì người nuôi có lãi ngay phần chiết khấu ấy. Nuôi cá tra đạt năng suất 300 – 400 tấn/ha đã là một ngành công nghiệp, hiệu quả được quyết định chủ yếu bởi trình độ công nghệ, nhất là công nghệ quản lý. Cho nên, người nông dân có kinh nghiệm vẫn khẳng định chính họ mới nuôi được cá tra giá thành thấp.
Ông Cao Hữu Sang nuôi 1,4 ha cá tra ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), tự nấu thức ăn (gọi là thức ăn chìm), giá thành chỉ 20.000 đồng/kg. Ông Lê Tấn Lợi nuôi 1 ha ở phường Thuận Hưng (cùng huyện), mua thức ăn công nghiệp (thức ăn nổi), giá thành cá tra 22.000 đồng/kg. Hai ông cho biết, doanh nghiệp nuôi thường có giá thành 22.000 – 23.000 đồng/kg.
So sánh của hai ông Sang và Lợi còn với điều kiện doanh nghiệp quản lý tốt. Nếu quản lý không tốt, như có một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, trong thời gian ngắn mở nhiều “trại nuôi”, rải ra ở nhiều địa phương, thì đã có dấu hiệu vượt tầm quản lý.
Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) mới đây thừa nhận trên báo chí: “Hiện, nhiều doanh nghiệp thực hiện khép kín từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu cá tra, nhưng cách làm này khó bền vững. Doanh nghiệp thiếu vốn, nếu vừa đầu tư nuôi cá vừa đảm bảo chế biến xuất khẩu là điều không dễ, vì ngốn quá nhiều vốn. Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp dễ bị lỗ kép”.
Phân tích của ông Đức cũng với điều kiện quản lý tốt. Nếu quản lý không tốt, vốn vay lãi suất cao mà còn bị thất thoát thì dễ dẫn đến thảm họa. Thời nay phải chuyên môn hóa rất cao mới hy vọng đạt hiệu quả kinh tế, tồn tại và phát triển. Còn với thực trạng người nuôi cá tra kiệt sức và bị “thôn tính” trong khi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu “dễ bị lỗ kép” thì ngành cá tra yếu kém là dễ hiểu.
>> Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: “ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi nuôi cá tra. Phải để cho nông dân ĐBSCL được hưởng nguồn lợi này. Hiện, một số doanh nghiệp có ý thâu tóm vùng nuôi là không nên, Hiệp hội Cá tra cần có hướng chấn chỉnh”. |