Nằm cách TP Bến Tre hơn 50 km về phía Đông, Bảo Thạnh (Ba Tri) và Thạnh Phước (Bình Đại) là hai làng nghề làm muối truyền thống của tỉnh Bến Tre. Nghề muối đã giúp cho diêm dân thoát khỏi cái nghèo, cái khổ vốn đeo đẳng vùng biển mặn bao đời nay. Nhưng giá muối thời gian qua liên tục rớt đã khiến hơn 4.000 lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp, hàng ngàn tấn muối tồn đọng trong kho.
Bảo Thạnh là xã có diện tích làm muối lớn nhất tỉnh với hơn 780 ha và gần 1.000 hộ dân làm muối chuyên nghiệp, tập trung chủ yếu ở các ấp Thạnh Lợi, Thạnh Nghĩa, Thạnh Phước, Thạnh Thọ… Trung bình mỗi năm, diêm dân nơi đây sản xuất gần 46.000 tấn muối bán ra thị trường. Ông Trịnh Hoàng Be, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghề làm muối ở Bảo Thạnh có từ trước năm 1930 và tồn tại cho đến ngày nay. Làm nghề muối không cần đầu tư nhiều vốn, chủ yếu lấy công làm lời nên người dân địa phương theo nghề rất đông. Gặp năm nào thời tiết thuận lợi, mỗi ha muối trúng vụ đạt từ 60 tấn trở lên”.
Năm 2009, giá muối đạt đỉnh cao từ 70.000 – 80.000 đồng/giạ (40 kg), nhiều gia đình đã vươn lên khá giả, con cái được ăn học trưởng thành. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 15%, kinh tế phát triển nhanh. Theo chân một cán bộ xã, chúng tôi đến thăm cánh đồng muối của ông Ngô Văn Ba (ấp Thạnh Lợi). Trong ngôi nhà hai tầng khang trang, ông Ba trò chuyện: “Gia đình tôi có gần 4 ha làm muối, năm rồi muối được giá lại khan hiếm hàng nên thương lái đổ về mua rất đông. Muối làm ra bao nhiêu đều bán hết, thu lãi ròng gần 200 triệu đồng. Nhớ tiền vụ muối đó nên tôi mới tậu nhà, sắm xe”. Ở ấp Thạnh Lợi, nhiều diêm dân cũng “phất” lên nhờ làm muối.
“Nhưng năm nay muối đắng rồi chú à, giá rớt thê thảm, bao nhiêu muối làm ra đều chất đống ở kho”, một diêm dân than thở khi chúng tôi ra thăm đồng muối. Không đắng sao được khi giá muối tụt xuống chỉ còn 200 – 400 đồng/kg, nhưng cũng không thương lái nào đến hỏi mua. Trong khi đó giá nhân công lao động, vật tư, xăng dầu cừ tăng vù vù. “Năm ngoài giá muối cao, người ta đua nhau phá đầm tôm làm muối. Giờ muối rớt giá, tồn kho hàng trăm tấn, biết lấy gì mà ăn. Nhưng đã sống bằng nghề muối thì đến vụ phải làm, chứ bỏ sao được, nên muối cứ chất cao dần trong kho”, ông Trần Xuân Lợi (ấp Thạnh Phước) nói giọng buồn rầu.
Ông Khổng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã giãi bày: “Năm 2009, do khan hiếm nguồn hàng nên các công ty ồ ạt nhập muối từ Ấn Độ. Giá muối được đẩy lên cao, diêm dân cũng mở rộng diện tích sản xuất, nên lượng muối tồn đọng lớn là điều tất yếu. Nguyên nhân nữa khiến muối Bảo Thạnh tồn là do các công trình đê biển đang thi công, không có tàu thuyền nào có thể vào thu mua muối. Giao thông đường bộ thì khó khăn”.
Cũng chung tình trạng với Bảo Thạnh, xã Thạnh Phước (Bình Đại), vùng sản xuất muối lớn thứ hai của tỉnh với gần 400 ha, diêm dân cũng đang “khóc ròng” trên kho muối. “Năm 2010, diện tích làm muối của xã tăng thêm 40 ha, trong đó chủ yếu là dân ở Ba Tri xuống hùn vốn cùng làm ăn. Nay giá muối xuống thấp, nhiều người bị phá sản, nợ nần chồng chất. Muốn bán tống, bán thảo để gỡ gạc phần nào cũng không có nơi mua”, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Vũ Minh nói.
Theo thống kê, bình quân mỗi ha đất nuôi tôm công nghiệp để chuyển qua làm muối, người dân phải đầu tư từ 25 – 30 triệu đồng để cải tạo chuyển đổi đất (chưa tính tiền mua đất). Ở nhiều địa phương, diêm dân phải bán đất để trả nợ. Nhờ muối để đổi đời, song diêm dân ở đây cũng cùng cực một đời với hạt muối.
Trao đổi với PV NNVN, bà Trần Thị Ngọc Sương, Phó phòng NN- PTNT huyện Ba Tri cho biết: “Hiện toàn huyện Ba Tri còn tồn hơn 16.000 tấn muối, trong đó chủ yếu là loại muối đen. Mặc dù, chúng tôi đã phối hợp với các công ty thu mua muối cho diêm dân, nhưng do muối kém chất lượng, không đạt yêu cầu nên hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm không nhiều. Nhu cầu thị trường hiện nay không lớn, trong đó chủ yếu cần các loại muối trắng, chất lượng cao để phục vụ cho các ngành công nghiệp”.
Nhưng với kỹ thuật truyền thống hiện nay, diêm dân không thể sản xuất muối trắng đạt chất lượng. Phòng NN- PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân chuyển sang sản xuất muối theo hình thức phủ bạt. Nếu sử dụng phương án này, muối làm ra sẽ không bị nhiễm bẩn, độ trắng cao. Nhưng nhược điểm là đầu tư ban đầu tốn kém, trong khi một tấm bạt chỉ được sử dụng cho 3 – 4 mùa vụ, giá muối bán ra phải tăng lên bà Sương nói thêm.
Những ngày này, diêm dân ở Bến Tre cứ dõi mắt ra đường lộ để ngóng thương lái đến thu mua muối. Vụ muối mới phục vụ cho Tết Nguyên đán đã bắt đầu vào mùa, nhưng muối cũ vần tồn đầy kho, nhiều ruộng muối bỏ hoang. Anh Hoàng Chí Thanh, một diêm dân ở xã Bảo Thạnh buồn rầu: “Cứ tưởng năm nay được mùa muối sẽ được ăn một cái Tết to. Được bao nhiêu vốn liếng đều dồn vào vụ muối này, nhưng đã gần 3 tháng nay, muối làm ra vẫn dồn ứ vào kho. Không biết rồi Tết này sẽ ra sao”.
TẤN TÀI
(Theo NNVN – 20/01/2011)