THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T2, 06/07/2020 09:47

Xuất khẩu cá nóc: Đầu đã xuôi, nhưng đuôi không lọt?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Công ty TNHH Mai Sao, đơn vị đầu tiên của Việt Nam được quyền thu mua và chế biến cá nóc xuất khẩu đang gặp khó khăn vì tồn đọng hơn 56 tấn cá nóc thành phẩm, sau khi Công ty Korea Poseidon Seafood của Hàn Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu sản phẩm này. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có rào cản mới nào đến loại cá mới này của Việt Nam?

Cá nóc có triển vọng xuất khẩu khi Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến cá nóc được Bộ NN&PTNT triển khai vào cuối năm 2009 ở 2 tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang. Và được kỳ vọng là sẽ góp phần làm tăng sản lượng và sản phẩm xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Đề án này đang đứng trước nguy cơ phải tạm dừng vì đối tác phía Hàn Quốc ngừng nhập khẩu. Công ty Korea Poseidon Seafood sẽ trực tiếp đến Kiên Giang làm việc với Công ty TNHH Mai Sao để giải quyết số hàng tồn kho trên.

Tuy nhiên, Công ty TNHH Mai Sao không thể chờ đợi được đến thời điểm đó vì không thể kéo dài thời gian tích kho. Để tháo gỡ vấn đề này, đã có nhiều ý kiến được đưa ra.

 

Ông Lương Lê Phương – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Sẽ mở rộng cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia           

Trong hơn 1 năm qua, việc Bộ NN&PTNT cho duy nhất Công ty Korea Poseidon Seafood được quyền nhập khẩu cá nóc ở nước ta là có lý do. Thứ nhất, cá nóc là loài cá có độc, nằm trong danh mục cấm mua bán, do đó việc quản lý khai thác phải nghiêm ngặt, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bộ cũng chỉ mới triển khai ở 2 tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa và 1 công ty nhập khẩu để thí điểm và quản lý sao cho chặt chẽ nhất. Thứ hai, sở dĩ chọn Korea Poseidon Seafood vì đây là công ty đầu tiên hướng dẫn ngư dân và doanh nghiệp nước ta khai thác, chế biến loại cá này một cách bài bản, phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Hàn Quốc. Sắp tới, Bộ sẽ mở rộng cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia đề án thu mua, nhập khẩu cá nóc ở Việt Nam, qua đó tăng tính cạnh tranh và tránh độc quyền trong thu mua loại cá này.

 

Bà Nguyễn Ngọc Phượng – Phó giám đốc Sở NN&PTNN Kiên Giang

Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Giải thích của Công ty Korea Poseidon Seafood không thỏa đáng, vì trước đó, công ty này đã cử người trực tiếp hướng dẫn cho các doanh nghiệp ở Kiên Giang, giám sát quá trình khai thác, chế biến cá nóc. Tỉnh đang băn khoăn về sự trì trệ của Công ty Korea Poseidon Seafood và đề nghị Bộ có hướng giải quyết gấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, Kiên Giang đã huy động 2 đơn vị chế biến và xuất khẩu là Công ty TNHH Mai Sao, Công ty TNHH Huy Nam; 4 cơ sở thu mua, bảo quản; 77 tàu cá đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để khai thác cá nóc, mở nhiều khóa hướng dẫn cho ngư dân và doanh nghiệp nhằm tiếp tục triển khai Đề án.

 

Ông Nguyễn Vũ Phương Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH Mai Sao

Đề nghị Bộ cho phép công ty tự tìm đối tác

Công ty TNHH Sao Mai đã có một bản hợp đồng ký kết với Công ty Korea Poseidon Seafood, trong đó Korea Poseidon Seafood ứng tiền để Mai Sao thu mua, chế biến cá nóc. Mai Sao đã thu mua và sản xuất được hơn 90 tấn cá nóc và đã xuất khẩu cho Công ty Korea Poseidon Seafood của Hàn Quốc hơn 22,7 tấn, nhưng sau đó, phía Korea Poseidon Seafood đột ngột ngừng và không chịu nhập tiếp. Hiện, số cá còn tồn kho là hơn 56 tấn, trị giá khoảng 2,4 tỷ đồng. Điều này làm Mai Sao bị đọng vốn và bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh khác. Nếu để lâu, chất lượng sản phẩm có thể sẽ bị giảm và chi phí kho bãi bị đội lên. Do vậy, Công ty Mai Sao đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép công ty tự tìm đối tác để tiêu thụ.

 

Ông Đào Công ThiênGiám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa

Không nên quá mơ màng về triển vọng cá nóc

Hiện nay, cá nóc vẫn là loại cá tận dụng sau khi kéo lưới, chứ chưa có ai chuyên đánh bắt, do đó, cũng không nên quá mơ màng về triển vọng cá nóc. Sản lượng nhiều, nhưng nhiều loại và trong đó có bao nhiêu loại được xuất khẩu và đủ tiêu chuẩn? Cá nóc có độc tố nên làm đại trà cũng khó cho quản lý, cho sức khỏe cộng đồng. May mà Khánh Hòa triển khai chậm, chưa thu mua cá nóc do thời tiết xấu, chứ không cũng sẽ lâm vào tình cảnh như Kiên Giang hiện nay.

 

Giải thích cho việc này, ông Young Shik Kim – Giám đốc Công ty Korea Poseidon Seafood cho rằng, việc tiêu thụ cá nóc ở Hàn Quốc gặp khó khăn, cá nóc của Việt Nam không cạnh tranh được với cá nóc của Indonesia, do chất lượng cá nóc ở Việt Nam không tươi và kích thước không đảm bảo.

Box: Theo Bộ NN&PTNN, trữ lượng cá nóc ở Việt Nam khoảng 300 ngàn tấn. Ở Kiên Giang có 3 loại cá nóc cho sản lượng cao được khai thác chủ yếu là cá nóc bạc, nóc vàng và nóc mỏ chim. Để mở rộng Đề án, sắp tới, Bộ NN&PTNN sẽ báo cáo Chính phủ mở rộng thêm một vài tỉnh như Phú Yên, Quảng Ninh, Nghệ An. Bộ cũng đề nghị Viện Pasteur kiểm tra chất lượng độc tố, cấp giấy chứng nhận chất lượng cho sản phẩm. Để đảm bảo chất lượng và số lượng, Bộ đề nghị địa phương nên xem xét tìm phương thức khai thác nào phù hợp, thí điểm một số tàu để chuyển phương thức khai thác tốt hơn. Đồng thời, việc xác định trữ lượng mùa vụ, ngư trường trọng điểm sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất hơn.


Bài ảnh: Đoàn Kiên Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!