Không chủ quan vụ nghịch

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm vụ nghịch, người nuôi phải đối diện chi phí cao, nhiều rủi ro, sản lượng thấp; cùng đó là tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, tính bền vững không cao. Để vụ tôm thắng lợi, hạn chế thiệt hại, cần chú trọng mọi yếu tố trong quá trình nuôi.

Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản: Tránh phá vỡ quy hoạch

Tổng cục Thủy sản đã có công văn gửi các địa phương, cho phép nuôi tôm vụ 3 nhưng không được thả nuôi trong vùng quảng canh. Để hoàn thành tốt vụ nuôi tôm 2013 và góp phần thành công vụ nuôi tôm năm 2014, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển có nuôi tôm nước lợ tăng cường quản lý nuôi tôm vụ 3; yêu cầu tăng cường chỉ đạo thời gian xuống giống phù hợp điều kiện thời tiết từng vùng; khuyến cáo người nuôi thả giống phải qua kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo chất lượng. Tăng cường quan trắc và cảnh báo môi trường, thông báo kịp thời cho người nuôi để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh, hạn chế rủi ro; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các yếu tố đầu vào như chế phẩm sinh học, chất cải tạo môi trường và thức ăn. Bên cạnh đó, quản lý, chỉ đạo nuôi tôm theo quy hoạch, khuyến cáo người nuôi không vì lợi nhuận năm 2013 mà chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng mía, làm muối… sang nuôi tôm làm phá vỡ quy hoạch.

 

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Phó chi cục trưởng  Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu: Tăng cường chăm sóc, quản lý môi trường nuôi

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi 100% diện tích, tôm nuôi phát triển bình thường, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cao hơn tôm sú và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, thời tiết thời điểm này không nhiều thuận lợi; yếu tố môi trường, nhiệt độ luôn biến động; thời gian nuôi ngắn, tôm nuôi dễ nhiễm bệnh… nên việc cải tạo ao nuôi và cùng đó là yếu tố con giống, vật tư đầu vào cần được chú trọng, kiểm tra thường xuyên, quản lý tốt hơn. Để vụ nuôi đạt kết quả tốt, giảm thiểu dịch bệnh, người nuôi cần nâng cao hơn nữa việc theo dõi, giám sát trong suốt quá trình thả nuôi, không thả nuôi liên tục; đặc biệt, khi giá bán tôm thẻ chân trắng và tôm sú tăng cao, dễ dẫn tới tâm lý nóng vội, khó kiểm soát được chất lượng môi trường.

 

Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra tôm trong suốt quá trình thả nuôi 

Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng: Thả nuôi theo hướng thăm dò

Vụ nuôi 2014 tại Sóc Trăng bắt đầu từ 15/11/2013 đến cuối tháng 7/2014, những khuyến cáo về thời điểm, kỹ thuật cải tạo, chọn đối tượng nuôi cho đến công tác quản lý các yếu tố đầu vào cần được tăng cường để đảm bảo mùa vụ nuôi an toàn, hiệu quả. Khó khăn lớn nhất hiện nay cũng như xu thế phát triển ở vụ nuôi mới là tình trạng tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng, mức độ thâm canh tăng vụ, tăng mật độ…; đây là những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây khó khăn cho vụ nuôi 2014 và những năm tiếp theo. Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, cần thả nuôi tôm theo hướng thăm dò, không thả nuôi trên tất cả diện tích mà dựa theo tình hình, nếu tôm phát triển bình thường, ít nhiễm bệnh thì có thể thả tiếp; nếu ngược lại thì nên dừng để tránh thiệt hại; đồng thời, không phát triển quá mạnh việc nuôi tôm thẻ chân trắng mà bất chấp điều kiện hạ tầng thủy lợi và điện sản xuất không đáp ứng được.

 

Ông Nguyễn Lê Huy Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam: Khuyến khích mô hình nuôi tôm trong nhà

Nếu nuôi tôm trái vụ, cần cải tạo kỹ ao nuôi; phải có hệ thống ao lắng, xử lý nước thải; không tận dụng cả ao lắng để nuôi tôm; không để nước thải và bùn đáy ao sau thu hoạch bơm thẳng ra kênh rạch mà không qua xử lý sẽ làm cho hệ thống kênh rạch bị bồi lắng, môi trường nước tự nhiên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc xả thải liên tục, không có thời gian ngắt vụ đồng loạt để môi trường được phục hồi, mầm bệnh bị cắt đứt sẽ dẫn đến tình trạng mầm bệnh tràn lan, ao nuôi nhanh lão hóa. Cùng đó, thời điểm này mưa nhiều khiến các yếu tố trong môi trường (như ôxy, pH, kiềm…) thay đổi; do vậy, cần đảm bảo và cung cấp đầy đủ. Mô hình nuôi tôm trong nhà đã ngăn ngừa được bệnh đốm trắng trên tôm, tránh vật trung gian lây bệnh, giúp tỷ lệ thành công cao hơn; đơn vị nào có điều kiện thì nên áp dụng.

 

Ông Tư Luân, hộ nuôi tôm tại Cà Mau: Đa dạng đối tượng

Tại Cà Mau, nhiều hộ vẫn thả nuôi tôm thời điểm hiện nay, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, với những ưu điểm: sức đề kháng cao, thời gian nuôi ngắn, dễ chăm sóc… Nhưng để nuôi có hiệu quả, giảm diện tích bị bệnh, cần thả nuôi với mật độ 70 – 80 con/m2 (không thả với mật độ 100 con/m2), thả chậm và thăm dò. Đặc biệt, cần chú trọng khâu chăm sóc: theo dõi thường xuyên các yếu tố môi trường (nước, ôxy, pH…). Không nên nuôi tôm vào thời điểm giáp tháng 10 âm lịch, vì lúc này nhiệt độ hạ sâu, mầm bệnh nhiều hơn, sức đề kháng của tôm giảm mạnh, tôm sẽ chết nhiều hơn. Bên cạnh đó, người dân chỉ nên nuôi tôm vụ nghịch khi có điều kiện về vốn, khả năng kiểm soát dịch bệnh và ở những nơi đảm bảo tốt nguồn nước… Nếu không, không nên thả tôm vụ nghịch, dễ thất bại. Đồng thời, có thể chuyển nuôi tôm vụ nghịch sang nuôi một số loài thủy sản khác (như cá chẽm, rô phi đơn tính, điêu hồng…), vừa an toàn vừa đảm bảo khả năng cho hiệu quả kinh tế cao.

>> Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững thì hơn ai hết, người nuôi phải thấy rõ trách nhiệm của mình, nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý dịch bệnh và tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về thời gian cắt vụ đồng loạt để môi trường tự nhiên và môi trường ao nuôi được phục hồi.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!