Nhằm tận dụng diện tích mặt nước và tạo thu nhập cao cho người nuôi, vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi, Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ đã hỗ trợ người dân triển khi mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương ven biển, bước đầu cho kết quả khả quan.
Lãi cao, rủi ro thấp
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương được triển khai tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) do hộ ông Văn Công Thanh thực hiện vào tháng 4/2013.
Với qui mô trên 50m2 lồng nuôi, ông Thanh thả 12.500 con giống (hàu bám đơn), trọng lượng bình quân 95 con/kg, mật độ 250 con/m2. Hàu được nuôi trong lồng tre đặt dưới chân cầu Thạnh Đức. Nơi đây kín gió, độ mặn cao, nguồn nước lên xuống thường xuyên, ổn định quanh năm, tàu thuyền ít qua lại, độ sâu hơn 4m.
Nuôi hàu Thái Bình Dương cho lãi 1,4 tỷ đồng/ha – Ảnh: Quốc Minh
Ông Văn Công Thanh cho biết: Ưu điểm của nuôi hàu là không phải cho ăn như tôm cá. Thức ăn có sẵn trong nước như rong, tảo, mùn bã hữu cơ… Trong tháng đầu thả nuôi, hàu phát triển rất nhanh, trọng lượng bình quân đạt 40 con/kg. Sau 6 tháng thả nuôi, hàu phát triển mạnh, có khả năng thích nghi và phát triển tốt tại vùng biển Phổ Thạnh. Kết quả, tỷ lệ sống đạt trên 65%, trọng lượng bình quân 12 con/kg, sản lượng 677kg, với giá bán hiện nay 32.000 đồng/kg, lãi trên 7 triệu đồng. Như vậy, nếu nuôi 1 ha sẽ lãi 1,4 tỷ đồng. Theo ông Thanh, nuôi hàu Thái Bình Dương dễ, chỉ tốn công làm vệ sinh. Nếu làm tốt khâu này, hàu sẽ lớn nhanh.
Từ kinh nghiệm nuôi, ông Thanh cho rằng, việc nuôi hàu cần phải căn cứ theo mùa để chọn phương pháp nuôi phù hợp. Nếu nuôi trong mùa lũ, tỷ lệ sống của hình thức nuôi đáy sẽ cao hơn nuôi nổi. Ngược lại, vào mùa khô, hàu được nuôi nổi phát triển tốt hơn nuôi đáy. Ngoài ra, hàu nuôi trong mùa khô có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn nhiều so với mùa lũ.
Hướng nuôi triển vọng
Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi (129 km chiều dài bờ biển và diện tích nước lợ vùng cửa sông khá lớn), nghề nuôi hàu Thái Bình Dương sẽ là hướng nuôi nhiều triển vọng của tỉnh này. Mô hình này có khả năng nhân rộng, do mức đầu tư thấp, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Tuy nhiên, cái khó của người dân là chưa nắm được kỹ thuật nuôi cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhân rộng mô hình nuôi hàu đơn, lãnh đạo xã Phổ Thạnh sẽ khảo sát và quy hoạch vùng nuôi phù hợp, đồng thời khảo sát thị trường để mô hình phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết, những năm tới đây, Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ sẽ cử cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình nuôi và hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng mô hình này ra toàn xã Phổ Thạnh và huyện Đức Phổ.
>> Những năm qua, hàu chủ yếu được khai thác tự nhiên tại các vùng cửa sông ven biển, tập trung từ tháng 2 đến 8. Nguồn cung không đủ cho nhu cầu trong tỉnh. Vì vậy, đây là cơ hội để người dân chuyển đổi sang mô hình mới hiệu quả hơn. |