Với ngư dân, cuộc sống mưu sinh của họ luôn gắn liền với biển. Biển mang đến cho họ niềm vui, nỗi buồn theo từng con sóng, con nước thủy triều.
Biển mang đến cho họ niềm vui, nỗi buồn theo từng con sóng, con nước thủy triều. Ngư dân ra khơi không chỉ để làm kinh tế mà còn tham gia đắc lực vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Họ thật sự là tai mắt, là cột mốc sống chủ quyền trên biển. Để có những trải nghiệm thực tế, cảm nhận và chia sẻ cùng ngư dân những nhọc nhằn, vất vả khi lênh đênh trên sóng nước mênh mông, tôi quyết định thực hiện “3 cùng” với họ trong 1 đêm ra khơi.
Cùng ra khơi
Chiều muộn, trên bến neo đậu tàu thuyền xã An Hải (Lý Sơn) từng đôi tàu song hành với nhau hướng ra khơi. Đã hẹn trước với thuyền trưởng tàu QNg 96086TS Ngô Thanh Tuấn, (quê ở thôn Tây,An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) tôi được lên tàu đi cùng anh. 17 giờ tàu xuất phát theo hướng Đông Nam đảo Lý Sơn, trên đường tàu chạy đến vùng đánh bắt truyền thống, tôi được nghe anh chia sẻ về hoàn cảnh gia đình và nghề biển của mình, anh Tuấn cho biết: “Tôi sinh năm 1971, là anh cả trong một gia đình có 7 anh em trai làm nghề biển. Hơn 27 năm vẫy vùng giữa biển khơi tôi có quá nhiều cảm xúc buồn, vui quanh con cá, con mực và nó chợt đến, chợt đi trong chốc lát. Có lúc trúng mánh cá nhiều vô kể. Nhưng có những hôm chạy hết dầu, rảo cả máy nhưng không thấy đàn cá nào, lại có khi phát hiện rất nhiều cá nhưng đánh không được, vào bờ tay trắng”.
Thuyền viên tàu cá QNg 96086TS đang kéo mẻ lưới đầu tiên trong đêm.
Hơn 2 giờ hành trình, với vận tốc 5 hải lý/ giờ, thuyền tôi đã có mặt tại vùng biển mà những người hành nghề vây rút chì như anh cho là nơi cá nục về cư trú, tìm kiếm thức ăn. Đêm trên biển rộn ràng, lung linh như một thành phố bởi tiếng máy nổ, tiếng máy bộ đàm và ánh sáng chiếu ra từ nhiều chiếc tàu đang cùng hành trình tìm kiếm mẻ cá đầu tiên của một đêm đánh bắt. Chờ mãi nhưng chưa thấy luồng cá nào hiện trên màn hình máy tầm ngư, sự căng thẳng đã hiện rõ trên khuôn mặt người chỉ huy con tàu, trong khi xung quanh đã có vài chiếc tàu khác đang bủa lưới.
Cùng đánh bắt
Rời buồng lái, tôi đi về hướng mũi tàu. Ông Võ Ngọc Đại, một thuyền viên (lớn tuổi) trên tàu căn dặn tôi: “Khi thả lưới vây cá cháu nên vào trong ca bin, vì tốc độ của tàu lúc này tương đối lớn. Dây neo, lưới, chì quấn vào nhau rất nguy hiểm. Vây cá xong chú sẽ cho cháu tham gia kéo lưới”. Nghe vậy, tôi lại boong tàu đứng quan sát. 19 giờ 20 phút, từ trong buồng thuyền trưởng, anh Tuấn hô to “Anh, em chuẩn bị lưới, thả bè dòm chừng” dứt tiếng hô các thuyền viên đã vào vị trí, lưới, phao, chì trên dưới 4 tấn quăng xuống biển, Tuấn tăng tốc cho tàu chạy vây quanh luồng cá. Tôi thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục chờ đợi. Thời khắc được kéo lưới cùng ngư dân cũng đã đến, 12 người trên tàu chia thành 3 nhóm, vừa kéo vừa xếp lưới lại cho ngay ngắn để còn tiếp tục đánh mẻ sau.
Để kéo hết số lưới dài trên 500m không dễ dàng tí nào. Sức người kết hợp với máy móc, vừa kéo, vừa tời hơn một giờ cá được gom lại trong đáy. Lần đầu tiên trong đời tôi được mục sở thị cá trên biển gom lại như cái chậu trong nhà, cá sợ hãi chen nhau chui rúc nhìn thật thích thú. Chưa kịp vớt cá lên thuyền, các chủ thu mua đã chạy đến. Họ ngã giá khi cá còn trong lưới. Cuộc thương lượng kết thúc chóng vánh cùng số tiền 6 triệu đồng trao tay không cần cân đo đong, đếm. Thấy tôi ngạc nhiên về cách mua bán của hai bên, máy trưởng Trần Văn Nhiều cười nói: “Ngư dân bọn em là vậy, thuận mua, vừa bán, thiệt một chút cũng không sao. Bán cho nhanh để còn đánh tiếp”. Biển khắc nghiệt, nhưng ngư phủ lại phóng khoáng, cho không vài ba cân cá là chuyện thường tình…
Cùng ăn
Đêm dần về khuya, bụng tôi đói cồn cào, mặc dù trước đó tôi đã lót dạ một gói mì tôm. Vòng qua phía đuôi tàu tôi thấy các anh bắt những con cá còn cựa quậy cho vào nước đang sôi, cảm giác được ăn trong tôi trỗi dậy, 15 phút sau cá được vớt ra cùng nồi cơm nghi ngút khói. Dân gian có câu: “Dân biển, ăn chờm qua sóng, nói chờm qua gió”, điều đó có thật. Sóng lắc lư, con tàu nghiêng ngả, phải chờm qua sóng mới ăn được bát cơm. Không mâm, không chén mỗi người một tô, cứ thế ăn theo nhu cầu. Nếu nói không ngoa, thì dù có vua đầu bếp cũng không thể đánh giá được hết vị ngon, ngọt của con cá tươi nguyên vừa vớt lên ăn ngay trên biển. Thuyền viên Trần Văn Chí, động viên tôi: “Anh cứ ăn tự nhiên, ở đất liền không có cá tươi như thế này để ăn đâu”. Quả thật, trong thời buổi thực phẩm vàng thau lẫn lộn, ăn gì cũng sợ có hóa chất, độc tố, thì nồi cá như thế này quả là hiếm.
Đêm qua nhanh, thời gian trôi dần về sáng, thuyền quay về bến đúng như lịch trình. Đánh 3 lần lưới, thu hơn 3 tạ cá, bán được 7 triệu đồng, vừa đủ tổn phí cho chuyến đi. Tôi thắc mắc với thuyền trưởng Ngô Thanh Tuấn. Sao ít vậy anh? Anh trả lời, tối nay cá rất nhiều, có những đàn cá ước lượng trên 25 tấn, nhưng vì nước chảy mạnh, lưới trôi nhanh, cá chui dưới lưới không đánh được.
Vậy là chuyến ra khơi đêm nay không thành công? Anh bảo: Biển giả mà em. Lúc được, lúc không, đủ tổn là may mắn rồi. Vậy đêm mai anh cũng ra khơi chứ? Anh nói, mình làm biển, phải gắn với biển, có hay không cũng phải đi, bám biển để sống. Hơn 12 con người trên tàu, cùng bố mẹ, vợ con ở nhà đều trông vào chiếc tàu này, biết đâu đêm mai trúng thì sao. Chia tay anh ngay tại bến neo đậu tàu thuyền lúc 5 giờ 30 phút, tôi lên bờ về đất liền và chúc anh thành công trong những đêm sau.