Ông Trần Văn Ân (62 tuổi, thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã nghiên cứu, chế biến và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm dưa kiệu, rong nho của mình.
Bắt đầu từ việc… muối dưa
Kể về cơ duyên trở thành ông chủ Cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến rau quả Ngọc Thưởng, ông Ân cho biết, ban đầu, gia đình ông có vài sào đất trồng kiệu. Cứ đến vụ thu hoạch, việc mua bán gặp khó khăn, thương lái ép giá, thị trường nhũng nhiễu nên ông chế biến sản phẩm bằng cách muối dưa kiệu. Mày mò cách làm, rồi ông cũng tìm được bí quyết giúp dưa kiệu thơm ngon.
Những hũ dưa kiệu đầu tiên ông biếu cho hàng xóm được phản hồi tốt nên ông mạnh dạn chào hàng nhiều nơi. Sau khi thấy thị trường có triển vọng, ông đã đăng ký thương hiệu để sản phẩm dưa kiệu của ông có thể lưu thông dễ dàng trên thị trường. Từ ngày có thương hiệu, việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn. Ông mở rộng sản xuất, thuê mướn nhân công, thu mua, chế biến kiệu của nông dân. Vào lúc cao điểm vụ Tết, sức tiêu thụ lên tới 5 tấn nguyên liệu. Thị trường của ông được mở rộng, dưa kiệu thâm nhập nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và phân phối tại địa phương…
Sản xuất rong nho tại nhà ông Trần Văn Ân.
“Gắn” thương hiệu cho rong nho
Năm 2011, ông Ân ấn tượng mãi với mặt hàng rong nho (Sea grapes) đang được bày bán trên các kệ hàng trong siêu thị. Sau đó, nhờ một người quen làm việc tại Viện Hải dương học Nha Trang, ông được chuyển giao công nghệ sản xuất rong nho. Những ngày đi thu mua rong nho, ông nhận ra nhu cầu của thị trường về loại sản phẩm này rất lớn, cung không đủ cầu. Thế là ông nghĩ tới chuyện sản xuất, chế biến và gắn thương hiệu cho rong nho.
Trong việc sản xuất kinh doanh, ông thường lui tới các vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực Tu Bông (huyện Vạn Ninh) và Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) để hướng dẫn cho nông dân trồng và thu hái rong nho. Nhà ông có rất nhiều bi, bể nuôi trồng rong nho giống. Đến nay, ông Ân sở hữu 2ha chuyên trồng rong nho tại huyện Vạn Ninh và hợp đồng bao tiêu sản phẩm 7ha của nông dân tỉnh Ninh Thuận với sản lượng cao nhất đạt 20 tấn nguyên liệu, tương đương 7 tấn thành phẩm/năm. Mỗi năm, ông Ân đã bỏ ra hàng tỷ đồng để cung ứng giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, theo ông, rủi ro đối với sản xuất rong nho khá lớn. “Chỉ cần độ mặn bị thay đổi do mưa lớn là coi như mất trắng. Rong nho thích hợp với độ mặn 28 – 30%0, khi độ mặn xuống dưới 18%0 thì rong nho rữa ra và chết, hiện chưa có cách nào khống chế được” – ông Ân chia sẻ.
Đến nay, nhà xưởng của ông đầu tư nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho việc chế biến, đóng gói sản phẩm như: Máy sấy nhiệt lạnh; máy đóng gói bao bì… Sản phẩm rong nho được sản xuất rất đa dạng gồm: Rong ngâm, rong tươi, rong sấy khô và rong bột. Tất cả các sản phẩm này đều đã vào siêu thị và nhiều cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang… Nhờ khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ nên giá thành rẻ hơn so với các doanh nghiệp sản xuất cùng mặt hàng này. Sản phẩm rong nho đóng hộp 2 lạng, ông bán với giá 80.000 đồng/hộp (các đơn vị khác bán 140.000 đồng/hộp). Năm 2013, sản phẩm rong nho của ông đã được UBND tỉnh và TP. Cam Ranh công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu; đồng thời được UBND TP. Cam Ranh trao giải nhất sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2013.
Từ một nông dân ham học hỏi cộng với vốn kiến thức, kinh nghiệm từ những ngày làm cán bộ thương mại, ông Ân đã làm được điều mà nhiều nông dân mơ ước. Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông thu lợi nhuận 300 – 500 triệu đồng/năm.
>> Ông Trần Đức Thánh – Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam: Ông Trần Văn Ân là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để trở thành chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến dưa kiệu, rong nho. Từ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2013 cho nông thôn mới, xã đã hỗ trợ cơ sở của ông Ân 75 triệu đồng mua máy đóng gói bao bì, phát triển sản xuất, kinh doanh… |