Từ lâu, các loại cá anh vũ, cá chiên, cá lăng chấm, chạch sông… đã trở nên quý hiếm, được ghi trong sách đỏ nước ta. Chúng chỉ sống ở một vài dòng sông, con suối thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng hiện nay, có một nơi đã nhân giống thành công những loại cá quý hiếm này, góp phần bảo tồn nguồn gen đang bị pha tạp và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Chúng tôi đến Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Thạch Khôi, TP Hải Dương) vào một ngày cuối năm. Khi hỏi về việc nhân giống các loại cá quý hiếm, anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm hào hứng giới thiệu: Đây là một kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu của trung tâm. Hiện nay, trung tâm đang nuôi 150 con cá anh vũ bố mẹ, 150 con cá chiên, 100 con cá lăng chấm, 300 con cá chạch sông và 70 con cá tầm (nguồn gốc từ nước ngoài). Từ đàn cá bố mẹ này, mỗi năm trung tâm cung cấp ra thị trường từ 2.000- 3.000 con cá anh vũ, 10 nghìn con cá chiên, 10 – 15 nghìn con cá lăng chấm, 5.000-10 nghìn con cá chạch sông. Do đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, khó nuôi nên trung tâm chỉ cung cấp theo đơn đặt hàng.
Bể nuôi các loài cá đặc sản ở Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc
Để đạt được kết quả như vậy, thời gian qua, cán bộ trung tâm phải tìm kiếm những loại cá này thông qua các chợ cá. Anh Lưu Quốc Trọng, người tham gia dự án từ ngày đầu và trực tiếp thu mua cá cho biết: Những người buôn cá tưởng mình là người mới, đi tranh giành mối hàng nên rất dè chừng. Chúng tôi phải đi hết lần này đến lần khác, thuyết phục nói rõ mục đích họ mới chỉ chỗ cho. Các loại cá quý hiếm này chỉ sống ở thượng nguồn một vài con sông, dòng suối nhất định như: sông Gâm, sông Bằng Giang… Vì vậy, các cán bộ của trung tâm phải tìm đến nơi đó.
Việc đánh bắt cá giống còn khó khăn hơn nhiều. Với các loại cá chiên, chạch sông, lăng chấm… bắt còn dễ, riêng cá anh vũ là khó nhất. Cá anh vũ chỉ xuất hiện và đánh bắt được từ tháng 10 dương lịch đến tháng 3 năm sau, nhiều nhất là vào những ngày thời tiết se lạnh, nhiều sương mù. Trời càng lạnh thì cơ may bắt được cá càng cao. Mùa đông ở miền núi rét đến cắt da, cắt thịt, vậy mà mới 5 giờ sáng, khi sương mù còn dày đặc, cán bộ trung tâm cùng với thợ chài lưới đã vượt hàng chục cây số đến vùng nước trong, yên tĩnh, nơi có những hang sâu để đánh bắt cá. Phải là những thợ lặn có kinh nghiệm, có sức khỏe mới có thể làm được.
Vất vả là thế nhưng mỗi lần đi cả tháng trời, các anh cũng chỉ tìm mua được chục con cá giống. Việc thu gom cũng không đơn giản. Qua vài lần thất bại, các anh rút ra được nhiều kinh nghiệm, phải xem xét thật kỹ và chỉ thu mua những con cá đánh bằng chài lưới, các hình thức đánh bắt khác như câu, kích điện đều ảnh hưởng đến chất lượng, khả năng tồn tại, sinh sản của các con cá giống sau này.
Khi đưa về trung tâm, mỗi con cá giống đều được lập "lý lịch" lưu trữ cẩn thận vì đây là những thông số dữ liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu lâu dài. Cán bộ của trung tâm chuẩn bị nơi ăn, chốn ở mới cho các loại cá, trong đó đặc biệt quan tâm tạo ra môi trường sống gần giống với tự nhiên. Ao của cá anh vũ được trải một lớp đá cuội bên dưới và tạo ra nhiều hang động làm nơi trú ngụ cho cá, có nước chảy nhẹ nhàng, nguồn nước được thay mới liên tục, môi trường nước sạch sẽ, không ô nhiễm. Nơi ở của chạch sông, cá chiên lúc nào cũng được che kín, tạo bóng tối… Cùng với môi trường sống, các cán bộ ở đây còn nghiên cứu các loại thức ăn phù hợp với từng loại. Mỗi loại cá được đưa ra 3 công thức thức ăn, trong đó chú ý đến sở thích của từng loại. Sau 4 tháng, cá được cân thử, đánh giá mức độ thích nghi, tốc độ tăng trưởng, màu sắc… để điều chỉnh môi trường sống và chọn thức ăn thích hợp nhất với mỗi loại trong môi trường nhân tạo. Thời gian này, các anh chia nhau trực 24 giờ trong ngày ở cơ quan để theo dõi bể cá. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi, cán bộ trung tâm còn mang giường, trải chiếu ngủ ngay bên cạnh các bể cá. Tự tay các anh làm thức ăn. Mỗi bữa ăn của các loại cá này mất cả tiếng đồng hồ bởi vì chỉ có thể cho một chút thức ăn, chúng ăn hết mới cho tiếp để nguồn nước không bị ô nhiễm. Sau khoảng thời gian nuôi vỗ béo, ổn định tâm lý là thời kỳ cho cá sinh sản. Các anh phải mổ từng con cá để xác định điều kiện mùa vụ sinh sản, xác định tuổi thành dục. Đây là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, tỷ mỷ bởi nếu chỉ nhầm lẫn một chút là sẽ thất bại, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế, thời gian và công sức của cả tập thể. Để kết luận về từng loài cá, các cán bộ trung tâm phải tiến hành 2 lần thử nghiệm như vậy. Công việc tiến hành năm thứ hai là đánh giá lại kết quả của năm thứ nhất, để khẳng định hiệu quả của việc áp dụng phương pháp sinh sản đã thực hiện.
Mặc dù cẩn trọng, tỷ mỷ là vậy nhưng tỷ lệ nở thành công của các loại cá này trung bình chỉ đạt khoảng 50%. Đó là chưa kể nếu không kiểm soát được, cá bị mắc dịch thì bao nhiêu công sức của anh em coi như mất trắng.
Trên thị trường hiện nay, các loại cá anh vũ, chiên… tuy có giá bán cao, thuộc các loại cá quý hiếm, song không còn khó tìm như vài năm trước. Được như vậy là có sự đóng góp to lớn của cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục nhân giống các loài cá này để đáp ứng nhu cầu của thị trường và nghiên cứu đưa vào nuôi thử nghiệm, nhân giống cá dầm xanh, cá chầy đất…
NGỌC THỦY
Theo Báo Hải Dương
Cần có những bài viết chị tiết hơn về kỹ thuật nuôi và thức ăn cho cá Anh Vũ . Để bà con nông dân muốn nuôi, dễ tìm hiểu và học hỏi, để có thể phát triển chăn nuôi.