Chứng nhận ASC được đánh giá là sẽ mang đến triển vọng cho cá tra của Việt Nam, đặc biệt tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề lợi ích thực sự mang lại cho người nuôi và kinh phí thực hiện vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Cả nước hiện có 33 vùng nuôi của doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra đạt chứng nhận ASC, nhưng với hộ nuôi nhỏ lẻ thì vẫn là số 0. Theo một chuyên gia trong ngành, sở dĩ có tình trạng này là do việc sản xuất và chứng nhận ASC đòi hỏi kinh phí quá lớn. Chuyên gia này dẫn chứng, đối với trại nuôi có diện tích 1 ha, riêng kinh phí thuê tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đã 10.000 – 15.000 USD (khoảng 200 – 300 triệu đồng), tùy điều kiện thực tế. Đó là chưa kể chi phí thực hiện khâu chứng nhận. Đây là con số không hề nhỏ, đặc biệt trong hoàn cảnh ngành khó trăm bề như hiện nay.
Nhiều thị trường bán lẻ ở châu Âu đang hướng đến các sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC. Các sản phẩm này được bán với giá cao hơn 5 – 10% so sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên với cá nuôi thương phẩm thì vẫn chưa có sự khác biệt giữa cá tra đạt chứng nhận ASC và cá tra chưa có chứng nhận. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, điều quan trọng khi áp dụng tiêu chuẩn ASC không phải là đạt mục tiêu bao nhiêu phần trăm sản lượng mà là người nuôi cá được hưởng lợi thế nào.
Hiện có 33 vùng nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình Nuôi trồng Thủy sản của WWF-Việt Nam cho biết, với các hộ quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng chưa tốt thì chi phí khi áp dụng tiêu chuẩn ASC sẽ lớn. Hộ nuôi chỉ 1 ha và những farm lớn 10 ha, chi phí chứng nhận ASC cũng cao gần nhau, chỉ có điều với diện tích ít thì thời gian đánh giá mức độ tuân thủ theo tiêu chuẩn ASC ít hơn mà thôi.
Hiện nay, một giải pháp được các bên đưa ra có tính khả thi cao là chứng nhận ASC theo nhóm. Về điều này, ông Chương cho biết, phải đến tháng 6/2014, ASC mới công bố chứng nhận theo nhóm. Còn hiện nay, các hộ có nhu cầu vẫn tiến hành đánh giá và chứng nhận ASC độc lập.
Điều đó có nghĩa, các hộ nhỏ lẻ vẫn phải chờ đến khi có những công bố cho chứng nhận nhóm. Chia sẻ khó khăn với những hộ nuôi nhỏ lẻ, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, Hội vẫn đang đề nghị tiếp tục hỗ trợ các hộ nhỏ lẻ khi tham gia chứng nhận ASC. Bên cạnh đó, cần phải tác động doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để có thể mua cá đạt chứng nhận ASC với giá cao hơn cá nuôi chưa đạt chứng nhận, như thế người nuôi mới có thể yên tâm tham gia.
Duy trì sản xuất đơn thuần đã khó, áp dụng tiêu chuẩn ASC chi phí sản xuất sẽ đè nặng thêm lên vai của người nuôi. Vì vậy, thật dễ hiểu khi người nuôi không mặn mà với tiêu chuẩn, bởi lợi ích thực tế vẫn còn xa vời.
>> Doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá nhãn hiệu ASC ra thị trường để tăng giá trị sản phẩm. Khi nhãn hiệu ASC được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, nó sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền, đẩy giá cá chứng nhận ASC lên cao, người dân sẽ có hứng thú tham gia chứng nhận hơn. |