Tháng cuối cùng của năm Quý Tỵ, làng chả cá Định Tân ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) rộn ràng với không khí hối hả vào vụ làm chính. Để rồi từ làng biển này, nhiều mẻ chả cá thơm lừng, mặn mà tình quê được gửi đi khắp nơi.
Làng Định Tân nằm khiêm nhường phía sau cảng Sa Kỳ lúc nào cũng nhộn nhịp. Quanh năm, các hộ gia đình ở Định Tân vẫn miệt mài với biển để kiếm kế sinh nhai. Nhiều hộ chọn nghề làm chả cá để tận dụng nguồn hải sản dồi dào, tươi ngon từ các con tàu khi cập bến. Ở nhiều làng ven biển khác, chả cá là món ăn phổ biến. Nhưng để nếm được vị ngon, ngọt mang hơi hướng của biển, thì phải ăn chả cá Định Tân.
Những ngày cuối cùng của năm cũ, làng Định Tân lại nhộn nhịp hẳn để kịp thời cho ra lò đặc sản miền biển, phục vụ cho nhiều đám lễ, liên hoan và trong những ngày Tết cổ truyền. Số lượng người nhà không thể làm xuể, nhiều gia đình phải thuê người ngoài đến làm các công đoạn nạo, xay cá mới kịp xuất lò bán đi xa.
Những mẻ chả cá thơm ngon tạo nên thương hiệu của làng Định Tân
Gia đình bà Nguyễn Thị Hải cũng phải thuê thêm 4-5 người làm trong những ngày bận rộn cuối năm. “Ngày thường thì bán được khoảng 30 – 40 kg chả, giá khoảng 75 nghìn đồng/kg. Nhưng tháng cuối năm thì phải làm tăng lên gấp 5 – 6 lần theo các đơn đặt hàng” – nói về lý do phải thuê thêm người, bà Hải vẫn tất bật với công việc nêm nếm gia vị vào mẻ chả đang được xay nhuyễn.
Vài năm trở lại đây, chả cá Định Tân được tiêu thụ rộng khắp ở trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, nhiều gia đình có đơn hàng từ nước ngoài. Bà Hải chia sẻ: “Chả cá làm hoàn toàn từ cá đỏ củ. Khâu nạo đến gói bằng lá chuối và nấu đều là thủ công. Chả cá dai, vị lại vừa phải, phù hợp sử dụng trong các ngày lễ tết bên cạnh các món ăn nhiều dầu mỡ nên ai cũng muốn mua”.
Cũng từ món đặc sản miền biển này mà nhiều nhà ăn nên làm ra, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Gia đình bà Đỗ Thị Tương đã gắn bó với nghề khoảng 15 năm nay. Xuất phát điểm là 2 triệu đồng vay mượn từ Chi hội phụ nữ thôn, hai vợ chồng bà tự tay làm mọi khâu từ chọn cá đến kiếm mối bỏ hàng. Ban đầu là đem ra chợ bán, giới thiệu hàng. Sau khi đã quen thì liên hệ các mối ngoài tỉnh để gửi chả cá đi xa.
Để chả cá Định Tân được ưa chuộng, khâu chọn cá đến gói chả bằng lá chuối và nấu đều phải làm bằng thủ công
Nhờ vào sự tận tụy và có tâm làm nghề, ngày càng có nhiều đơn đặt hàng đến với gia đình bà Tương. Đến nay, 15 năm làm nghề nhìn lại, bà Tương vẫn không thể ngờ chính nghề làm chả cá lại giúp bà gầy dựng được cơ ngơi với ngôi nhà tiền tỷ và cuộc sống hạnh phúc no đủ của 3 người con. “Chả cá thì ai làm cũng được. Nhưng để làm ra những ký chả thơm ngon, đậm đà khiến nhiều người mua một lần lại muốn ghé mua nữa thì cần phải có cái tâm và sự kiên nhẫn”- Bà Tương tâm sự về nghề.
Đến bây giờ, dù nhiều gia đình đã đổi qua làm chả bằng máy móc để tiết kiệm thời gian, công sức, thì các gia đình ở làng chả cá Định Tân vẫn phải thức khuya dậy sớm, làm thủ công mọi công đoạn. Chính nhờ vậy, mà chả cá Định Tân luôn ngon dai và đậm đà vị biển. Bên cạnh các nghề biển khác, chả cá đang giúp làng Định Tân thay đổi dần với những ngôi nhà cao tầng vững chắc, đứng dựa lưng vào cảng biển Sa Kỳ.
Hiện là mùa làm ăn của làng chả cá. Các hộ gia đình phải thức khuya hơn, dậy sớm hơn, miệt mài bên những mẻ chả cá. Nhưng ai cũng vui mừng vì sản phẩm mình làm ra bán rất chạy và được gửi đi đến nhiều nơi xa. Làm nghề lâu năm, gia đình nào cũng ấp ủ hy vọng rằng, một ngày nào đó, thương hiệu chả cá Định Tân sẽ được thừa nhận. Để rồi, họ có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất và tạo nên những sản phẩm đậm đà vị biển, lan truyền đi khắp mọi nơi.
Những ngày này, ở cái làng biển nhỏ bé ấy, vẫn tất bật với những mẻ chả cá nóng hổi. Và những hy vọng được ấp ủ vẫn không ngừng được ướp vào cùng món đặc sản miền biển để kịp gửi vào lòng người trong thời khắc chuyển giao qua năm mới.