T2, 06/07/2020 10:45

Trung tâm KHKT và Sản xuất Giống thủy sản Quảng Ninh: Bước tiến mới về sản xuất giống thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Luôn nâng cao chất lượng, sản xuất các loại giống thủy sản mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đó là mục tiêu hướng tới của Trung tâm.

Đầu tư chiều sâu

Được thành lập vào năm 2001, nằm ngay trên quốc lộ 18, con đường huyết mạch nối Quảng Ninh với nhiều tỉnh, thành trong cả nước; Trung tâm KHKT và Sản xuất Giống thủy sản Quảng Ninh có nhiệm vụ chính là: Nghiên cứu về giống và nuôi trồng thủy sản; Nghiên cứu về môi trường và dịch bệnh thủy sản; Tổ chức sản xuất, dịch vụ, tư vấn và đào tạo tập huấn. Hàng năm, Trung tâm tiến hành nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án, các chương trình phát triển thủy sản; chọn giống, lưu giữ, nuôi dưỡng giống gốc; sản xuất giống thủy sản cung ứng cho các cơ sở ương nuôi trong và ngoài tỉnh; đào tạo tập huấn; tư vấn xây dựng vùng nuôi an toàn, nuôi theo quy phạm VietGAP.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thị trường tiêu thụ, nhưng Trung tâm đã sản xuất và cung cấp ra thị trường 104 triệu con cá giống các loại, bằng 103% kế hoạch của năm, 100,1% so cùng kỳ. Trong đó, cá rô phi đơn tính đạt 6,3 triệu con, rô phi Cát Phú 8,0 triệu con, rô phi lai xa 68 triệu con, cá mè 10 triệu, cá chép 9 triệu, cá đối mục và các loại khác 2,7 triệu con. Cá giống của Trung tâm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp cho các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Điện Biên và một số tỉnh miền Nam.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm KHKT&SX Giống thủy sản Quảng Ninh

Không chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp cá giống, Trung tâm còn chú trọng vào lĩnh vực quan trắc cảnh báo môi trường và phòng trừ dịch bệnh thủy sản cho các huyện, thị xã có vùng nuôi thủy sản trong tỉnh. Cùng đó, thường xuyên phối hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, các trại sản xuất giống trong tỉnh định kỳ kiểm tra bệnh và môi trường nuôi; đồng thời, hướng dẫn người nuôi xử lý môi trường và phòng trị bệnh ngay tại ao nuôi, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Cá rô phi đơn tính Cát Phú bố mẹ

Trong năm 2014, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số đối tượng thủy sản có giá trị như: cá đối mục, cá rô đầu vuông, ốc nhảy, hải sâm gai… Nghiên cứu đặc điểm sinh học và sản xuất giống ngán (một loại hải sản có giá trị cao mang thương hiệu Quảng Ninh). Ông Huy chia sẻ, với những kết quả đạt được trong những năm qua đã không chỉ giúp thay đổi cơ cấu vật nuôi của người dân mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, tận dụng tối ưu lợi thế địa phương.

 

Ứng dụng sản xuất giống mới

Đi thăm cơ sở vật chất của Trung tâm, ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm vừa qua, Trung tâm đã sản xuất thành công giống cá rô phi đơn tính Cát Phú. Đây là giống cá rô phi đơn tính có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống cá rô phi trên thị trường hiện nay. Cá rô phi Cát Phú có khả năng chịu lạnh nên có thể nuôi qua đông. Mình cá dày, nên tỷ lệ thịt cao, nếu đưa vào fillet xuất khẩu sẽ làm tăng tỷ lệ thịt 5 – 10% so với các giống cá rô phi khác. Hơn nữa, đây là loại cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 4 – 5 tháng nuôi đạt 500 – 700 g/con; sau 6 tháng nuôi có thể đạt đến 900 – 1.000 g/con. Hệ số thức ăn thấp 1.1 – 1.3, đem lại hiệu quả cao cho người nuôi, thích hợp để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Hiện, giống cá này đã được nuôi qua đông tại các tỉnh miền Bắc, mà không cần biện pháp trú đông. Cùng đó, Trung tâm đã chuyển cá vào miền Nam nuôi tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, ông Tâm cho biết thêm.

Phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và sản xuất

Với đội ngũ cán bộ, công nhân có chuyên môn tay nghề cao cùng cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại. Trung tâm luôn chú trọng vào nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Một số dự án do Trung tâm thực hiện có ý nghĩa thực tiễn rất lớn như: Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục (Mugil cephalus Linnaeus, 1758) tại Quảng Ninh”; Dự án “Tạo lập và quản lý thương hiệu ghẹ Trà Cổ cho sản phẩm ghẹ của Thành phố Móng Cái”; Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể tôm thẻ chân trắng của Thành phố Móng Cái”… Đặc biệt, 2 đề tài khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng nuôi cá thát lát cườm (Chilata ornata) và cá rô đầu vuông (Anabas sp) mới được nghiệm thu đạt loại khá. Trung tâm chuẩn bị triển khai thực hiện dự án ” Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi cua gạch, cua lột trong ô lồng” trong năm 2014 – 2015. Thành công này không chỉ giúp thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn giúp đa dạng những sản phẩm ẩm thực phục vụ cho ngành du lịch của Quảng Ninh.

>> “Chúng tôi luôn phấn đấu hoàn thành mục tiêu UBND tỉnh Quảng Ninh giao đến năm 2015, cung cấp 100% cá giống nước ngọt cho tỉnh”, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm cho biết.

>> Trung tâm hiện có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và nghiên cứu có trình độ học vấn và kinh nghiệm chuyên môn cao với tổng số 67 người. Thuộc các phòng ban: Phòng Hành chính – Tổng hợp; Phòng Kế hoạch; Phòng Khoa học Kỹ thuật; Phòng Quan trắc cảnh báo môi trường và Phòng trừ dịch bệnh thủy sản.Trung tâm cũng vinh dự nhận danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ nhất (2009) cùng nhiều cờ thi đua và Bằng khen của Bộ NN&PTNT; UBND tỉnh trao tặng.

Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!