T2, 06/07/2020 10:45

Làm giàu từ ba ba

Chưa có đánh giá về bài viết

Ba ba, một đối tượng nuôi tiềm năng, được người dân biết tới từ lâu; nhiều mô hình nuôi thành công, cho thu nhập khá. Trong số đó, trang trại ba ba của anh Nguyễn Duy Chiến tại xóm Phổ, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là địa chỉ tin cậy.

Nuôi chí làm giàu

Nam Định nhiều tiềm năng phát triển thủy sản, với những đối tượng nuôi phong phú cả nước ngọt lẫn nước mặn, nhất là nước ngọt. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, ngành nuôi trồng thủy sản, Nguyễn Duy Chiến trở lại Nam Định, quyết tâm lập nghiệp tại quê nhà.

Anh Chiến cẩn thận chăm sóc từng con ba ba

 Bắt tay vào sản xuất, câu hỏi làm anh phải suy nghĩ nhiều là nên nuôi đối tượng nào hiệu quả và phù hợp điều kiện địa phương? Và anh chọn nuôi ba ba. Theo anh, ba ba sống hoang dã nhưng dễ nuôi trong ao, bể nhỏ, không tốn nhiều công chăm sóc, lại tận dụng được phế phẩm hằng ngày.

Anh tự đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, từ đó đúc rút kỹ thuật nuôi cho mình. Anh cũng xác định, để nuôi ba ba có hiệu quả, phải tìm hiểu kỹ đặc tính sinh học, quá trình sinh trưởng của nó, điều kiện phù hợp để phát triển.

 

Chia sẻ kinh nghiệm

Những ngày đầu, Nguyễn Duy Chiến gặp không ít khó khăn: chưa chuẩn bị tốt về môi trường, bể nuôi phù hợp; khi nhiệt độ xuống thấp không chủ động đề phòng…, ba ba dễ mắc bệnh. Nhưng không vì thế anh chịu lùi bước. Qua một số lần thất bại, anh đã rút ra bài học cần đảm bảo tốt môi trường nuôi, chế độ chăm sóc, cho ăn phù hợp. Nhờ thế, những lần nuôi tiếp theo, anh đã thành công.

Với 2 ha mặt nước, anh chia làm 13 hồ, dùng để ương ba ba giống, nuôi thương phẩm và cho đẻ trứng. Mọi yếu tố đầu vào đều được chú trọng, từ khâu chọn giống, cho đẻ đến nuôi thương phẩm.

Trang trại nuôi ba ba 2 ha của anh Chiến

Nguyễn Duy Chiến cho biết: Môi trường ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của ba ba. Do đó cần luôn kiểm tra để phát hiện, đề phòng các khả năng hao hụt ba ba như hở cống, nước tràn bờ…; Cho ăn đầy đủ, thức ăn sạch, điều chỉnh mức cho ăn hợp lý hằng ngày. Giữ sạch khu vực cho ăn, không để có rác bẩn, thức ăn thừa; Không để nước ao và đáy ao bị thối bẩn. Đáy ao bẩn cần thay hoặc tát cạn, rắc vôi khử trùng cải tạo đáy; Khống chế độ sâu, màu nước và chất nước ao nuôi trong phạm vi thích hợp. Nên giữ nước sâu 1 – 1,5 m, giữ màu nước xanh lá chuối non, độ trong 25 – 30 cm, pH 7 – 8, ôxy hoà tan từ 4 mg/l trở lên. Ở mức độ các chỉ tiêu trên thực vật phù du quang hợp phát triển tốt, có tác dụng ức chế sự phát triển của vi sinh vật hiếm khí và vi sinh vật gây bệnh ở đáy ao, làm tăng ôxy trong nước và giảm khí độc.

Lưu ý, vào mùa hè cần chống nóng cho ba ba, không để nhiệt độ nước ao, hồ nuôi quá 330C. Các biện pháp thông thường: làm giàn che mát, thả rong, bèo trong ao, giữ nước sâu, thay nước mới… Mùa lạnh cần chống rét cho ba ba (các tỉnh phía Bắc), gắng giữ cho nhiệt độ nước ao nuôi luôn trên 150C. Các biện pháp thông thường: giữ nước ao sâu trên 1,5 m, đáy ao có lớp bùn pha cát dày 20 – 25 cm cho ba ba rút nằm, mặt ao thả bèo kín hoặc che chắn đỡ bị gió lạnh làm ảnh hưởng sức khoẻ; nơi có nguồn nước nóng nên tận dụng đưa qua ao nuôi, nâng nhiệt độ nước ao nuôi lên 20 – 300C.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, ba ba thường mắc bệnh (nấm thủy mi và kí sinh đơn bào, viêm loét do nhiễm khuẩn…) nên việc phòng chống bệnh cần được quan tâm nhiều.

Ba ba rất khỏe, sống trong hồ tự nhiên hoặc nuôi trong ao rộng, mật độ thưa, cho ăn và chăm sóc quản lý tốt thì ít bệnh. Ba ba nuôi trong ao, bể nhỏ, mật độ nuôi dày, điều kiện thay nước kém, cho ăn và chăm sóc quản lý không cẩn thận rất hay sinh bệnh. Cần thực hiện tốt những biện pháp phòng bệnh như: Chọn con giống sạch bệnh; Không để ba ba cắn nhau, cào móng vào lưng nhau, bài tiết nước tiểu lên nhau, đè lên nhau ngạt thở trong lúc bắt và vận chuyển từ nơi mua về nơi nuôi; Ao nuôi cần tẩy dọn sạch sẽ trước khi thả ba ba. Ao, bể mới xây cần ngâm nước thau rửa nhiều lần cho sạch, thử độ pH còn 7 – 8 hoặc thả thử, thấy an toàn mới thả toàn bộ. Dùng nước muối 3 – 4% hoặc dung dịch xanh malachit 1 – 2 ppm (1 – 2 g/m3 nước) tắm 15 – 20 phút để khử kí sinh trùng và nấm kí sinh. Nếu thấy bị xây sát chảy máu da, nên tắm thêm bằng thuốc kháng sinh để phòng bệnh nhiễm trùng gây lở loét. Chú ý thay nước, không để nước ao nuôi có màu đen, có mùi tanh thối bẩn.

Ao nuôi mật độ dày, mùa hè phải thay nước luôn, tốt nhất mỗi ngày thay 20% lượng nước trong ao, nên tháo hoặc hút lớp nước dưới đáy là chính vì lớp nước này bẩn hơn lớp nước trên mặt. Ao nuôi mật độ thưa, nước chứa đầy, màu nước luôn xanh lá chuối non nói chung không cần thay nước. Trường hợp nước ao bẩn nhưng khó bơm tát, khó có đủ nước thay thì nên định kỳ 20 – 30 ngày một lần khử trùng nước ao bằng rắc vôi bột với lượng 1,5 – 2 kg vôi/100 m3 nước chia làm 2 – 3 ngày, mỗi ngày rắc trên một phần ao.

Chú ý không để lớp bùn cát đáy ao bị bẩn, cuối mỗi vụ nuôi hoặc trước vụ nuôi cần xử lý lớp bùn cát bẩn ở đáy ao, khử trùng triệt để; Chủ động phòng bệnh nấm thuỷ mi bằng cách treo túi thuốc xanh malachit ở khu vực cho ba ba ăn, mỗi túi 5 – 10 g, thuốc ngấm dần ra ao, khi hết thay túi khác. Cũng có thể rắc thuốc trực tiếp xuống ao với lượng 5 – 10 g/100 m3 nước, 15 – 30 ngày thực hiện một lần. Quan trọng nhất là thực hiện vào lúc giao thời giữa mùa đông và mùa xuân, giữa mùa thu và mùa đông, có nhiệt độ nước thấp 15 – 220 C kéo dài.

 

Gặt hái thành công

Sau những nỗ lực không ngừng của bản thân, niềm đam mê và tinh thần ham học hỏi, những bể nuôi ba ba của Nguyễn Duy Chiến đã thu được kết quả khả quan. Năm 2013, trang trại của anh sản xuất 3.000 – 5.000 con giống/ngày, nuôi thương phẩm 15 – 20 tấn/năm, tạo nguồn thu ổn định, giá trị kinh tế cao, hiệu quả, có tính bền vững và nhiều người có thể áp dụng được.

Không chỉ nuôi ba ba thương phẩm, trang trại của anh còn tạo nguồn giống và trứng từ ba ba và sản xuất thức ăn cho ba ba. Theo đó, thực hiện mô hình nuôi khép kín từ con giống, thức ăn, chăm sóc nên hiệu quả cao, ba ba ít bệnh, hạn chế được rủi ro. Ngoài ra, trang trại anh còn có đội ngũ kỹ sư có thể tư vấn trực tiếp cho người nuôi, chia sẻ kinh nghiệm và có nhiều ưu đãi cho người nuôi.

Trang trại của anh Chiến cung cấp từ trứng… 

… đến ba ba giống

Hằng ngày, không khí sản xuất luôn tấp nập tại trang trại, người đến mua giống và ba ba thịt ngày càng nhiều, tên tuổi Nguyễn Duy Chiến được nhiều người dân trong ngoài tỉnh biết tới.

Được hỏi về dự định tương lai,  anh Chiến nói: Thời gian tới, trại sản xuất sẽ mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiến tới chuyên môn hóa trong sản xuất, giảm nhân công; Đồng thời, trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật nuôi để nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

>> Bây giờ, về Nam Định, nhắc đến anh Chiến, chủ trang trại ba ba thì không ai là không biết, bởi niềm đam mê, tâm huyết với nghề không ngại gian khó đã giúp anh thành công.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!