Theo kế hoạch, năm 2014 tỉnh Ninh Bình phấn đấu nuôi trồng trên 11 nghìn ha thuỷ sản. Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, ngay từ đầu năm, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lúa và cây màu vụ đông xuân, bà con nông dân trong tỉnh đang tích cực cải tạo ao, đầm, lấy nước và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết khác cho vụ sản xuất mới.
Về các xã bãi ngang Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải thuộc huyện Kim Sơn, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân. Ông Phạm Văn Tường, xóm 6, xã Kim Đông chia sẻ: Vụ 1 năm nay, gia đình ông nuôi thả trên 3 ha ao đầm, chủ yếu là nuôi tôm sú. Kinh nghiệm qua nhiều năm nuôi trồng thuỷ sản nước lợ cho thấy, để vụ nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh được thành công phải chuẩn bị tốt tất cả các khâu như: cải tạo ao đầm, chọn giống, thả nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, cải tạo ao đầm là khâu kỹ thuật quan trọng, nếu cải tạo và chuẩn bị ao nuôi tốt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tôm khi mới thả giống, hạn chế được mầm bệnh tồn lưu trong ao, nhất là với ao nuôi nhiều vụ trong năm. Nhận thức được điều đó, ngay sau khi thu hoạch vụ 2, gia đình ông đã tập trung cải tạo ao đầm, tháo nước kết hợp bơm, sục đáy ao, nạo vét loại bỏ lớp bùn đen, thau chua rửa mặn, sau đó bón vôi bột diệt tạp khuẩn và chuẩn bị mọi điều kiện khác. Đến nay, công tác cải tạo ao đầm đã cơ bản hoàn thành, gia đình ông và các hộ nông dân ở đây đang tập trung lấy nước, xử lý nước theo yêu cầu kỹ thuật, chuẩn bị lấy giống về ươm.
Nuôi thủy sản tại xã Kim Trung (Kim Sơn). Ảnh: Tuấn Anh
Tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp công nghiệp (ước diện tích 90 – 100 ha), các hộ, đơn vị, doanh nghiệp còn huy động máy móc, thiết bị có công suất lớn để đào đắp, cải tạo ao đầm phấn đấu giành thắng lợi trong vụ nuôi tôm năm nay. Còn tại vùng nuôi ngao có diện tích 615 ha, các hộ dân cũng đang tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường nuôi, xử lý mầm mống gây bệnh…
Khí thế sản xuất sôi nổi, khẩn trương chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới không chỉ có ở vùng nuôi nước lợ mà còn ở vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt tại các địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Ngọc, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn cho biết: Năm 2013, ông rất phấn khởi được Chi cục Thuỷ sản hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen trên diện tích 4.000 m2, cho hiệu quả kinh tế rất cao, trừ chi phí cho lãi trên 300 triệu đồng/ha. Trước kết quả đã đạt được, có thêm vốn, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi thả các loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao theo phương pháp tiên tiến như nuôi cá trắm đen. Do đó, ngay sau khi thu hoạch hết cá, gia đình ông đã tập trung nhân lực, máy móc cải tạo ao, nạo vét bùn đáy, đắp lại bờ, khử trùng bằng vôi bột, lấy nước và chuẩn bị con giống, thức ăn để bắt đầu thả vụ mới. Ông hy vọng trong năm 2014, nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục thuận lợi và mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân.
Theo ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình: Năm 2014, tỉnh có kế hoạch nuôi trồng 11.115 ha thủy sản, trong đó diện tích nuôi thuỷ sản nước mặn, lợ 2.760 ha, diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt 8.355 ha; sản lượng nuôi trồng phấn đấu đạt gần 33.500 tấn thuỷ sản các loại. Với mục tiêu phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, tỉnh khuyến khích các địa phương, bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương và có khả năng nhân rộng cao. Tích cực tiếp nhận chuyển giao khoa công nghệ của các Viện, Trung tâm nghiên cứu cho các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, cơ sở nuôi. Đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, tỉnh khuyến khích bà con nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh và nuôi lồng bè là chủ yếu. Đối tượng nuôi đa dạng, ngoài nhóm cá truyền thống (trắm cỏ, mè, trôi,…), các địa phương đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: cá lóc bông, cá trắm đen, cá chép lai, cá diêu hồng… ở vùng mặn, lợ, cùng với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cua biển, khuyến khích bà con nông dân tích cực mở rộng nuôi xen canh một số loài như cá bống bớp, cá vược…
Để nuôi trồng thuỷ sản đạt kết quả cao, ngay từ trung tuần tháng 12/2013, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương trong tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc bà con nông dân tiến hành cải tạo, vệ sinh ao đầm, kênh mương, dùng vôi bột để khử trùng, diệt tạp với liều lượng vôi dùng tuỳ thuộc vào vị trí, chất đất ao, tính chất mới hay cũ, sau đó phơi đáy ao, lấy nước thau rửa hệ thống kênh mương, ao đầm để hạn chế dịch bệnh. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản cải tạo xong hệ thống ao đầm và đang chuẩn bị lấy nước và xử lý nước, sẵn sàng lấy giống về ươm và bắt đầu thả giống vào đầu tháng 4 theo đúng kế hoạch. Về con giống, để đảm bảo chất lượng, Chi cục Thuỷ sản phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng tại các cơ sở cung ứng giống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh giống thuỷ sản nước mặn, lợ. Vì nhu cầu giống thuỷ sản nước lợ trong năm 2014 rất lớn, ước tính trên 140 triệu con, trong đó có 100 triệu con tôm sú và 40 triệu con tôm thẻ chân trắng. Nhưng hiện nay tỉnh ta vẫn chưa có cơ sở sản xuất giống thuỷ sản nước mặn, lợ tại chỗ, số lượng giống phải nhập hoàn toàn từ các tỉnh ngoài….
Trong thời gian tới, Chi cục Thuỷ sản kết hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục hoàn thiện cải tạo ao đầm, chọn con giống đảm bảo chất lượng, áp dụng nuôi thả đúng quy trình kỹ thuật. Sau thả giống, cho tôm ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và quản lý tốt vấn đề môi trường ao nuôi, vấn đề dịch bệnh, phấn đấu đạt hiệu quả kinh tế cao trong vụ nuôi đầu tiên của năm.