Nhiều ngư dân xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã sang Malaysia lặn đêm bắt hải sản thu về cả chục tỷ. Họ tự học tiếng Malaysia để mặc cả với người địa phương.
“Lực sỹ” lặn đâm cá 50 kg
Thời gian hành nghề lặn đêm hàng năm ở Gành Cả thường bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài đến tháng 8 (âm lịch) năm sau. Anh Lê Trung Quảng (37 tuổi), hơn 10 năm đi lặn đêm nói, nghề này rất hiếm khi lỗ vốn.
Trung bình mỗi chuyến ra khơi kéo dài khoảng một tháng. Một tàu có 10 đến14 thợ lặn. Nhóm thợ lặn chia thành từng tốp. Mỗi tốp ở dưới nước 1,5 đến 2 giờ, sau đó đổi ca nghỉ ngơi hoặc canh máy bơm khí, trợ giúp cho số người đang lặn.
Thợ lặn đêm không chỉ săn bắt các loại ốc, tôm, cua… mà còn đâm những loại cá lớn nặng đến 30-50 kg như cá mú, cá mó u…
Anh Trần Trung nói: Mỗi chuyến ra khơi lãi khoảng 70-100 triệu đồng là bình thường. Tàu nào có máy quét rạng, dò luồng cá có thể lãi tới 250-300 triệu/chuyến.
Cựu lão ngư Võ Tuấn (58 tuổi) nhớ lại: Thời trước, khi tôm, cá… còn nhiều, ở Gành Cả có nghề lặn ngày. Dụng cụ hành nghề chỉ là gương lặn, một cái vợt đựng tôm cá, ghe chèo tay, thuyền máy nhỏ và cây Đoọc, hoặc chỉa làm bằng sắt, hay thép tròn dài chừng 1m, với một đầu được mài nhọn và chấn thành ngạnh để giữ cá khỏi vuột khi đâm, còn đầu kia uốn thành chữ L rồi quấn vải xung quanh để làm tay cầm.
Từ những năm 1980, gần bờ hết cá, một số người chuyển sang lặn đêm, và tìm kiếm những ngư trường xa hơn như: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Dụng cụ của thợ lặn cũng được trang bị hiện đại hơn, có máy nén khí, ống dẫn hơi, quần áo lặn… Có thuyền có 1-2 chiếc xuồng máy hoặc cano nhỏ để vào những vùng rạng cạn.
Xuất ngoại kiếm về tiền tỷ
Đầu năm 2010, 8 chiếc tàu đầu tiên ở Gành Cả, với công suất từ 300-380 Cv/chiếc, đã lên đường sang Malaysia để hành nghề lặn tôm, cá và hải sâm.
Theo các ngư dân, ngoài chi phí xuất ngoại của phương tiện từ 5000-15.000 USD/chiếc/năm, hàng tháng mỗi chủ tàu phải đóng tiền thuế cho nước chủ nhà khoảng 40 triệu đồng/tàu/tháng.
Nhưng đánh bắt ở ngư trường Malaysia thuận lợi hơn. Ngư dân chỉ phải lặn sâu khoảng 20m, bằng một nửa so với ở Hoàng Sa, Trường Sa, sản lượng đánh bắt lại nhiều hơn. Mỗi chuyến ra khơi như vậy, ngư dân thu về khoảng 15-20 triệu đồng/người.
Nguyễn Tấn Luân (36 tuổi), kể: Lúc đầu, do không hiểu tiếng và phong tục bên nước bạn nên cũng khó khăn. Mỗi lần bán cá là phải nhờ phiên dịch viên người Việt. Sau rồi, chúng tôi học tiếng Malaysia, chỉ sử dụng tiếng Malaysia trên tàu. Giờ có thể chào hỏi và mặc cả bằng tiếng Malaysia.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết: Xóm Gành Cả, thuộc thôn Châu Thuận Biển cho biết: Tính tổng số tiền mà ngư dân Gành Cả xuất ngoại thu được không dưới 10 tỉ đồng. Năm nay, thêm hàng chục tàu thuyền khác đang lo thủ tục sang Malaysia hành nghề.
Phan Hoàng Oanh
Theo Bee