Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 3 (P. 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôi muốn nuôi cá lồng trên hồ thủy điện sông Tranh, xin được tư vấn nên nuôi loài nào để đạt hiệu quả? (Bùi Quang Khánh – huyện Bắc Trà My, Quảng Nam)

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Với đặc điểm của hồ thủy điện sông Tranh có diện tích lớn, độ trong cao, nguồn nước sạch rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng bè. Để nuôi hiệu quả, anh có thể lựa chọn một trong những loài sau:

+ Cá chạch lấu: Có giá bán cao (250 – 300 ngàn đồng/kg) nhưng thời gian nuôi dài (10 – 15 tháng mới có thể thu hoạch).

+ Cá lăng nha, cá chiên: Giá bán cao nhưng thời gian nuôi dài, khó mua giống

+ Cá diêu hồng: Thời gian nuôi ngắn (giá bán ổn định) dễ nuôi, nuôi được mật độ cao, sản lượng lớn.

+ Cá trắm đen: Dễ nuôi, con giống dễ kiếm, thời gian nuôi trung bình (7 – 8 tháng).

+ Cá ngạnh: Dễ nuôi khó mua giống, thời gian nuôi ngắn.

Với những ưu và nhược điểm của các loài như vậy, bạn cần xem xét tình hình con giống, khả năng đầu tư, giá tiêu thụ sản phẩm để lựa chọn cho phù hợp. Tạp chí Thủy sản Việt Nam vẫn thường xuyên cập nhật tình hình giá cả và các mô hình nuôi lồng bè hiệu quả tại các địa phương trên tất cả các ấn phẩm. Bạn hãy đón đọc và tham khảo nhé.

 

Hỏi: Ao nuôi tôm có nhiều tảo lam thì cần xử lý như thế nào? (Diệp Thanh Đệ – huyện Đầm Dơi, Cà Mau)

Trả lời:

Trong ao nuôi tôm, tảo lam thường phát triển mạnh vào giữa và cuối vụ nuôi, khi môi trường nước ao bị bẩn và nền đáy nhiều mùn bã hữu cơ. Vì vậy, thời điểm này cần cho tôm ăn vừa đủ, không dư thừa thức ăn, đồng thời hạn chế chạy quạt ban ngày mà nên tập trung chạy ban đêm. Thay nước trong ao, có thể thay 50% lượng nước, tuy nhiên để tránh cho tôm bị sốc cần kiểm tra pH, độ mặn của ao và nước cấp, mỗi ngày thay 10% lượng nước trong ao và liên tục trong 5 ngày.

Dùng hóa chất để diệt tảo:

– Nếu trong ao độ kiềm thấp (60 – 70) thì dùng vôi công nghiệp (CaCO3) 10 – 20 kg/1.000 m3 hoặc sử dụng khoáng No79: 1kg/1.000 m3, sử dụng lúc 20 – 21 giờ.

– Dùng Formol để diệt tảo và kích thích tôm lột xác, liều lượng 5 – 7 ppm (chỉ dùng ban ngày, bật quạt khí).

– Dùng ôxy già (H2O2) để diệt tảo với liều lượng từ 6 – 8 ppm (có thể dùng được cả ngày lẫn đêm).

Sau khi diệt tảo cần sử dụng chế phẩm sinh học (sản phẩm chất lượng, có uy tín, thương hiệu) nhằm phân hủy các chất thải, xác tảo, mùn hữu cơ đáy và gây lại màu nước.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!