Hiện nay, huyện Tháp Mười là địa phương có diện tích nuôi ếch lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với hơn 40ha. Ước tính, trung bình mỗi năm địa phương có thể cung cấp 5 ngàn tấn ếch thương phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người chăn nuôi phải liên tục lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Khó khăn trong tiêu thụ
Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch phát triển rầm rộ trên địa bàn huyện Tháp Mười và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, khi mở rộng diện tích sẽ kéo theo hệ lụy “cung vượt cầu”, người sản xuất lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, có nhiều nông dân phải treo ao do hết vốn đầu tư.
Theo tính toán của nông dân, trung bình 1kg ếch thịt, người nuôi phải đầu tư 30 ngàn – 32 ngàn đồng. Trong đó, chi phí thức ăn hơn 70%, còn lại là con giống và các loại chi phí khác. Như vậy để sản xuất hiệu quả, người chăn nuôi luôn kì vọng bán được mức giá cao hơn mức chi phí, nhưng đó chỉ là mơ ước của nông dân, bởi thực tế, người chăn nuôi không có điều kiện để tự tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra mà phải lệ thuộc vào kênh phân phối của thương lái. Theo đó, một khoảng lợi nhuận không nhỏ được “rót” vào túi của thương lái.
Người nuôi đang gặp nhiều khó khăn
Các thương lái thường lợi dụng vào những mùa thuận, sản lượng nhiều để ép giá nông dân. Cụ thể, vào khoảng tháng 3 – 10 âm lịch, do điều kiện thời tiết thuận lợi nên ếch sinh trưởng và phát triển tốt, người nuôi thường trúng mùa vào giai đoạn này. Tuy nhiên, “điệp khúc” “trúng mùa – rớt giá” liên tục tiếp diễn. Chú Nguyễn Văn Nhứt (SN 1965) xã Mỹ An, tâm sự: “Mấy năm nay giá ếch lên xuống bấp bênh. Có thời điểm giá ếch vào mùa chỉ còn 30 ngàn đồng/kg. Nếu bán ra thì lỗ vốn nhưng nếu không bán thì lại lỗ thêm tiền thức ăn. Vậy là “bấm bụng” bán cho xong để còn kịp sản xuất lại vụ sau với hi vọng khả quan hơn”.
Do sản xuất nhỏ lẻ nên người nuôi ếch vẫn chưa liên kết được khâu đầu vào. Giá thức ăn nông dân mua ở các đại lý chênh lệch 10 – 15% so với giá gốc của công ty. Vì vậy, giá thành của ếch thương phẩm vẫn còn ở mức cao, chưa tạo được thế cạnh tranh với các khu vực và tỉnh thành khác, gây khó khăn cho người nuôi ếch.
Thông thường, vào những tháng nghịch mùa, ếch thường có giá hơn mùa thuận. Hiện tại, ở huyện Tháp Mười thương lái thu mua ếch cho bà con nông dân với giá dao động từ 45 ngàn – 50 ngàn đồng/kg. Với mức giá này người nuôi chỉ lãi khoảng 30%. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi lại gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn sản xuất ếch mùa thuận.
Tổ chức sản xuất – nhu cầu tất yếu
Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nông dân tăng lợi nhuận và hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, năm 2014, huyện Tháp Mười đã có sự chuyển biến trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh nuôi ếch cho huyện nhà. Ông Võ Thành Ngoan – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: “Hiện tại, huyện đang tổ chức quy hoạch vùng nuôi ếch trên cơ sở hiện trạng sẵn có. Trước hết sẽ tập trung cho 3 xã nuôi nhiều nhất là Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Thanh Mỹ và phát triển thêm ở các xã vùng ven. Đến nay, huyện đã thành lập được 2 tổ hợp tác (THT) sản xuất ếch ở xã Đốc Binh Kiều và xã Mỹ An. Theo đó, huyện cũng tăng cường xúc tiến, cùng các THT chủ động đến TP.HCM kết nối doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho con ếch”.
Liên kết sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận đầu ra không chỉ là mong mỏi của chính quyền địa phương, đó còn là nguyện vọng của bà con chăn nuôi. Anh Đoàn Thanh Phong – Tổ trưởng THT dịch vụ sản xuất và tiêu thụ ếch xã Mỹ An chia sẻ: “Bà con ở đây rất phấn khởi khi THT được thành lập. Nhưng là một tổ chức còn non trẻ nên bước đầu THT vẫn còn lúng túng trong việc sắp xếp, tổ chức lại sản xuất. Vừa rồi, THT tìm được mối liên kết tiêu thụ đùi ếch với Công ty Việt Long tại TP.HCM và hợp đồng tiêu thụ thịt ếch với các vựa thủy sản ở chợ Bình Điền, TP.HCM. Để hợp đồng được thực hiện hiệu quả, THT sẽ rà soát và thống kê chính xác diện tích thả nuôi của bà con tổ viên, xác định khả năng cung ứng của THT trước khi ký kết hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho bà con tổ viên cũng như doanh nghiệp. Song song đó, để giảm chi phí đầu vào THT sẽ tìm các doanh nghiệp thức ăn phù hợp để liên kết bao tiêu, tăng sức cạnh tranh cho người nuôi ếch”.
Có thể nói, việc quy hoạch vùng nuôi ếch của huyện Tháp Mười là điều cần thiết. Bên cạnh mặt thuận lợi, vẫn còn những khó khăn đi kèm cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và người dân.