Hỏi: Em muốn thi đại học ngành chế biến thủy sản thì có thể thi trường nào? (Nguyễn Tú Anh – TX Tân An, tỉnh Long An)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Hiện nay, ở các trường đại học không còn riêng Khoa Chế biến Thủy sản như trước, mà chỉ còn là bộ môn trực thuộc các Khoa: Công nghệ Thực phẩm và Thủy sản. Để theo học lĩnh vực này, bạn có thể đăng ký và dự thi vào ngành học Chế biến (Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ); Khoa Công nghệ Thực phẩm (Trường Đại học Nha Trang và Đại học An Giang), với 3 môn thi là Toán, Hóa Sinh. Đây tuy không còn là ngành “hot”, nhưng sau khi tốt nghiệp, với kiến thức tốt, bạn hoàn toàn có thể được nhận vào các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Chúc bạn thành công!
Hỏi: Vitamine C rất cần thiết cho tôm phát triển, nếu tôm thiếu hụt loại vitamine này sẽ gây nhiều bệnh như: “chết đen”, các bệnh liên quan đến gan, tụy. Tuy nhiên, Vitamine C lại tan vô hạn trong nước. Vậy có cách nào để bổ sung Vitamine C cho tôm? (Trần Văn Mạnh – huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ), tôm cá không có khả năng tự tổng hợp Vitamine C do thiếu Enzyme gluconolactone oxidase cho bước cuối cùng của quá trình tổng hợp, mà chủ yếu hấp thu từ thức ăn. Do vậy, để bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho tôm thì ngoài phương pháp bổ sung trong quá trình sản xuất thức ăn tại các nhà máy chế biến, người nuôi còn có thể tăng cường Vitamine C cho tôm bằng cách trộn vào thức ăn.
Cách thực hiện: Định lượng Vitamine C rồi hòa tan với nước và trộn đều vào cám công nghiệp, để 10 – 15 phút cho ngấm đều vào viên thức ăn. Sau đó dùng dầu ăn hoặc dầu cá (dạng nước) trộn vào thức ăn với liều lượng 0,5 lít/10 kg thức ăn. Dầu sẽ tạo một lớp màng bao bọc viên thức ăn lại, ngăn cản sự thất thoát Vitamine C ra môi trường nước. Lưu ý: Trong nuôi tôm nên định kỳ mỗi tháng bổ sung Vitamine C khoảng 3 – 5 ngày liên tục để giúp tôm tăng sức đề kháng và tăng trưởng tốt.