Tàu cá về, vợ các ngư dân chạy ra bến: “Cứ kiểu này thì hết dầu, cạn nhớt là phải”. Nguyên nhân là năm 2013 có quá nhiều bão, có tàu đi 9 phiên biển thì 5 phiên phải chạy vào bờ và chịu lỗ khoảng 80 triệu đồng/phiên.
“Châu lỗ”, “Nghiệp hụt”
Tại cửa biển Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), tàu cá QNa 91199 TS của thuyền trưởng Phạm Văn Châu đưa 14 ngư dân từ Hoàng Sa trở về địa phương. Trên mặt các ngư dân hiện lên nét mệt mỏi vì mở biển làm ăn, nhưng ra khơi thì tàu trụ lại tránh bão ở Hoàng Sa, 14 ngư dân chui trong cabin ẩm ướt nhìn trời nhìn biển hết ngày này sang ngày khác. Khi dầu sắp cạn, đá sắp tan hết thì họ đành quay về. Bình quân mỗi phiên ra biển “neo chơi” rồi về, tổn phí gần 80 triệu đồng.
“Ông Châu thuyền trưởng có biệt danh Châu lỗ, năm nay phiên nào cũng lỗ nên mất tiêu 450 triệu đồng”, một ngư dân đi bạn trên tàu nói về chuyện làm ăn thất bát. Cùng hoàn cảnh ông Châu còn nhiều tàu cá khác ở các địa phương, trong đó tàu ông Châu được xếp diện đội sổ vì lỗ.
Tàu của ngư dân Phạm Văn Châu “ghi điểm” về thua lỗ – Ảnh: Lê Văn Chương
Dù làm ăn thua lỗ nhưng tàu cập bờ thì bạn chài vẫn tổ chức tưng bừng văn nghệ, nhậu nhẹt trong cabin trước khi về nhà. Thuyền trưởng “Châu lỗ” khua bát, gõ đũa vui vẻ với bạn chài. Hai phụ nữ tham dự cũng gắng cười méo miệng. Chương trình giao lưu văn nghệ trên tàu do ông Nguyễn Đức Nghiệp kéo vợ ông Châu và vợ ông Nghiệp xuống tàu cùng làm chủ xị. Ông Nghiệp hiện là thuyền trưởng tàu cá QNa 90747 TS nhưng có nửa phần hùn tàu cá với ông Châu.
Ông Nghiệp rầu rĩ: “Tàu mình làm ăn đói xanh xương. Bây chừ mở biển là chạy quơ cùng làng cùng xóm mới năn nỉ được người đi bạn. Vậy nên có lỗ tổn chi nữa mình cũng ráng văn nghệ, nhậu nhẹt để gây tình cảm, nếu không mấy ông bạn này ly dị tàu là phải neo bờ luôn”.
Ông “Châu lỗ” tổng kết một năm đi biển chạy rông – Đến cuối tháng 12/2013 thì tàu đi được 9 phiên biển, nhưng dính bão đến 5 phiên. Có phiên neo ngoài đảo cho đến khi cạn dầu hết đá thì vô bờ; có phiên thấy bão to quá nên chưa kịp đánh mẻ lưới nào cũng phải lo rút lui về quê, trong khi bão đuổi sau lưng.
Suýt bỏ mạng…
Chạy bão tốn nhiên liệu, không đánh được cá, nhiều ngư dân còn suýt bỏ mạng vì bão di chuyển quá nhanh. Trong cơn bão số 9, dân chài xã Tam Hải (huyện Núi Thành) đã nháo nhác vì tàu cá QNa 91559 TS của ông Ngô Ri bị dính bão. Tàu này ra đến vùng ngoài Hoàng Sa, cách bờ 180 hải lý thì gặp áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Cả đội ngư dân 14 người canh đường cho tàu lao vô bờ. Hành trình ròng rã 2 ngày đêm, đến gần đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thì tàu không chạy được nữa vì gió quá mạnh đẩy ngược tàu ra khơi.
Đàn bà làng chài Tam Hải nháo nhào khi nghe điện từ tàu ông Ri: “Tàu bị sóng phủ. Nếu tự nhiên thấy mất liên lạc là tàu đã bị chìm, mọi người phải kêu tàu cứu nạn ra bìa ngoài đảo Lý Sơn vớt người”.
Vợ các ngư dân chia sẻ chuyện cứ đi ra gặp bão lại phải chạy vô
Trên biển, con tàu nhích từng hải lý và bị bão vật tơi tả, thân tàu kêu răng rắc. Trên tàu vẫn còn nguyên 900 cây đá. Vậy là trong cảnh mưa gió mù trời, sóng biển phủ lút ca bin, 14 ngư dân vẫn khản cổ gọi nhau móc đá dưới hầm ném xuống biển. Ngư dân Nguyễn Ngọc Sung hồi tưởng: “Chui xuống hầm cạy đá lạnh đến bật móng tay. Lúc giữa cái sống và cái chết, cây đá nhẹ như viên gạch. Ném được 500 cây đá xuống biển thì tàu nổi lên, không bị sóng đánh vùi xuống nữa”.
Ngày thường, tàu từ Lý Sơn về cảng Kỳ Hà chỉ mất 4 giờ; nhưng hôm đó phải tới chiều, ai nấy đều rã rời, kiệt sức.
Tại xã Tam Hải, tàu của ông Ngô Ri được mệnh danh “vua biển”, vì đánh bắt liên tục thành công trong suốt 10 năm. Vậy nhưng đến cuối năm 2013, thu nhập của tàu ông Ri bị rớt hạng, toàn đội 14 ngư dân sau một năm đánh bắt chỉ được chia phần khoảng 20 triệu đồng/người (Năm 2012, mỗi ngư dân đi bạn được chia phần 110 triệu đồng/người).
Rủ người nuôi xuống đi biển
Nhiều tàu làm ăn thua lỗ nên chủ tàu phải săn đón, áp dụng nhiều chiêu khuyến mãi mới tuyển đủ bạn chài đi biển. Tàu ông Châu không tuyển được đủ “binh sĩ” nên phải mời luôn 2 người làm nghề nuôi tôm con xuống đi biển. Đó là ông Phạm Văn Hùng và Phạm Văn Vân, được chủ tàu khuyến mãi cho ứng trước 300.000 đồng để mua thức uống bồi dưỡng trong chuyến biển.
2013 là năm có nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất trong gần 50 năm qua, trên 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Nổi tiếng nhất là cơn bão Haiyan đổ bộ vào Biển Đông đầu tháng 11/2013, gây ra sự tàn phá khủng khiếp ở các nước mà cơn bão này đi qua.
Do tình hình bão tố nên sản lượng đánh bắt sụt giảm. UBND xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã tổng kết một năm đánh bắt, sản lượng chỉ đạt 2.450 tấn, giảm 550 tấn so với chỉ tiêu. Xã Tam Quang ở gần đó cũng chỉ đạt sản lượng 13.200 tấn, bằng 82,5% kế hoạch.
Một chủ cây dầu cho biết, ngư dân lỗ quá nên ai cũng đòi mua dầu chịu, trong khi vốn xoay vòng có hạn nên mua chịu dầu đến phiên thứ hai là phải chịu lãi suất 2.000 đồng/lít. Nghèo gặp cái eo, vì mỗi tàu tiêu tốn 5.500 – 6.000 lít dầu/phiên biển; lãi suất 2.000 đồng làm cho chi phí tăng lên hơn 10 triệu đồng/phiên biển.
>> Sau gần nửa tháng biển động, kéo dài từ giữa tháng 12/2013, ngư dân lại tay xách nách mang, nhảy xuống tàu hùng hục mở phiên biển đầu tiên của năm 2014 với hy vọng kiếm tiền tiêu Tết. Tiễn chồng đi biển, vợ một ngư dân xã Tam Hải thở dài: “Không biết chuyến ni có đi thiệt không, hay lại gặp bão phải quay về ôm… vợ”. |