Thụy Điển: Ưu tiên phát triển thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Thụy Điển đứng thứ 7 trong EU về xuất khẩu cá và động vật giáp xác, nhưng cũng là quốc gia nhập khẩu cá chủ yếu từ Đan Mạch và Na Uy, chiếm 73% tổng sản lượng hàng nhập khẩu của Thụy Điển. Đây được coi là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam.

Mục tiêu rõ ràng

Mục tiêu trọng tâm trong chính sách thủy sản của Thụy Điển là thúc đẩy quản lý bền vững và có trách nhiệm với môi trường sống. Đồng thời, trong chiến lược quốc gia về phát triển bền vững thể hiện rõ ngành công nghiệp thủy sản cần phải được đặt trên cơ sở bền vững bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận tôn trọng hệ sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học. Chiến lược này áp dụng với hầu hết các loài thủy sản có hạn ngạch quốc gia, nhằm hạn chế đánh bắt cá ở khu vực hải lý, giới hạn sản lượng khai thác ở những khu vực nhạy cảm. Tàu đánh cá phải là tàu sử dụng trong đánh cá thương mại, được cấp phép và ít nhất phải có một ngư dân có giấy phép khai thác cá nhân.

Chính sách thủy sản Thụy Điển nằm dưới sự bảo trợ của Chính sách Thủy sản chung (CFP) của EU. Mục tiêu chính là đảm bảo nền kinh tế bền vững, đảm bảo các điều kiện xã hội và môi trường sống tốt nhất. Để đạt kết quả này, có nhiều quy định được áp dụng và quản lý thông qua một phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái. Quản lý quy định số lượng cá đánh bắt thông qua hệ thống “Tổng sản lượng khai thác cho phép” (TACS) và bổ sung bằng các biện pháp kỹ thuật bảo tồn.

 

Tăng cường biện pháp bảo tồn

Các biện pháp bảo tồn kỹ thuật chính là công cụ quản lý quan trọng thứ hai tại Thụy Điển. Các biện pháp này bao gồm: thiết lập kích cỡ đánh bắt tối thiểu các loài thủy sản; yêu cầu kích thước mắt lưới cụ thể và trong một số trường hợp bắt buộc sử dụng thiết bị chuyên dụng đặc biệt; đặt mức quy định về thiết bị và kỹ thuật sử dụng đánh bắt của ngư dân; nghiêm cấm đánh bắt thủy sản ở một số khu vực nhất định trong một khoảng thời gian của năm.

Ngư dân Stockholm coi đánh bắt cá là niềm vui số một

Hầu hết các biện pháp được thiết lập để bảo vệ các loài sẵn có, đồng thời ngăn ngừa việc xâm lấn của các loài không mong muốn. Và phần lớn các biện pháp được áp dụng ở EU đều được áp dụng ở Thụy Điển, nhưng vẫn có một số biện pháp bổ sung tại Thụy Điển, nhất là các biện pháp liên quan thủy sản ven bờ.

Hội đồng Quốc gia Thủy sản (NBF) quản lý việc đánh bắt cá ở Thụy Điển. Đây là cơ quan trung ương bảo tồn thủy sản được thành lập năm 1948 (thuộc Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Thụy Điển). NBF chịu trách nhiệm thúc đẩy sự đa dạng sinh học và làm phong phú hơn nữa các loài cá của khu vực. Đồng thời góp phần cải thiện ngành công nghiệp đánh bắt cá, tăng khả năng đánh bắt cá hiệu quả phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, Liên đoàn Ngư dân Thụy Điển có quyền tham gia các quy định bổ sung. Quy định về đánh bắt thủy sản nước sâu ở Biển Bắc và Skagerrak là một trong những ví dụ về quy định ở Thụy Điển.

 

Vai trò khu vực công và tư nhân

Thụy Điển là một trong những nước Bắc Âu theo chế độ quân chủ lập hiến có truyền thống kết hợp khu vực sản xuất tư nhân và khu vực công. Từ sự kết hợp này, tàu đánh cá tư nhân có điều kiện thuận lợi hoạt động đánh bắt hiệu quả nhưng một số dịch vụ và cơ sở hạ tầng cảng biển thuộc điều hành từ khu vực công. Nuôi trồng, chế biến thủy sản, bán buôn, xuất khẩu thuộc về tư nhân; nhưng các vấn đề liên quan sức khỏe người tiêu dùng và người lao động, suy thoái môi trường, thuế thường được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp công nhằm tạo thuận lợi cho điều chỉnh cơ cấu.

Tóm lại, ngành công nghiệp thủy sản ở Thụy Điển có tiềm năng lớn và có lợi thế từ quản lý, điều hành, giám sát và chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái môi trường chung, chất lượng nước kém và phụ thuộc dòng chảy từ Biển Bắc lưu vực, đã ảnh hưởng đến việc sinh nở của ấu trùng thủy sản trong biển Baltic. Thay đổi trong cung và cầu trong 25 năm tới có thể xuất phát chủ yếu từ những thay đổi trong thương mại.

>> Ngành công nghiệp thủy sản Thụy Điển khá chuyên nghiệp, bao gồm các hoạt động liên quan nuôi trồng thủy sản ở biển và trong đất liền. Năm 2001, hạm đội đánh cá quốc gia Thụy Điển có 1.859 tàu. Các đội tàu đánh cá của nước này hoạt động trong khu vực trải dài từ Đại Tây Dương về phía đông bắc đến bắc Vịnh Bothnia (nằm giữa Phần Lan và Thụy Điển).

Khánh Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!