“Trúng độc đắc của bà Thủy Long” là cách nói ví von cho những lần may mắn gặp được bầy cá quý của ngư dân ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ở xứ sở này, từ hàng trăm năm qua, ngư dân được thiên nhiên ban tặng một nguồn cá tôm phong phú. Thỉnh thoảng lại có người bỗng dưng thành triệu phú từ những sản vật bất ngờ dưới lòng đại dương bí ẩn.
“Giải thưởng” bạc tỷ
Tại làng chài Hàm Ninh, thuộc huyện Phú Quốc, chúng tôi tình cờ nghe nhóm ngư dân đang bán cá dưới bến Hàm Ninh kháo nhau: “Thằng Đức bên An Thới vô mánh gần tỷ bạc mà cho người báo tin có 12 triệu đồng. Quá tệ!” Nghe lạ, tôi hỏi thăm. Người vừa nói là anh Năm Thu, ngư dân ở Bãi Bổn, thuộc xã An Thới, huyện Phú Quốc.
Anh Năm Thu cho biết trước Tết Nguyên đán 2014, thêm một người ở đảo lại “trúng độc đắc của bà Thủy Long” với một bầy cá rách lên đến 10 tấn, giá mỗi ký 80.000 đồng, tổng thu khoảng 800 triệu đồng. Thế nhưng người phát hiện đàn cá chỉ được chủ tàu lớn chia cho 12 triệu đồng, nên ngư dân xì xào chỉ trích. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng trước cụm từ “trúng độc đắc của bà Thủy Long”, anh Thu vui vẻ nói: “Ngon lành nhất là gặp được bầy cá rách, ngư dân nơi đây sẽ đổi đời lấy ngay bạc tỷ, nhiều tiền hơn cả ngọc trai, khác nào trúng độc đắc. Muốn biết chuyện trúng độc đắc của “bà Thủy Long” thế nào thì tìm ông Tư Hạnh”. Theo chỉ dẫn của Năm Thu, chúng tôi tìm tới nhà ông Tư Hạnh nằm dưới rặng dừa ven biển, lộång gió và nên thơ.
Ông Tư Hạnh Dùng thuyền nhỏ nhưng cơ hội làm giàu không nhỏ
Ông Tư Hạnh ngồi bệt trên nền gạch men trước cửa, uống trà đường, tay đung đưa võng cho đứa cháu nội đang say nồng giấc trưa. Ông cho biết vừa về từ biển, sau một buổi đánh cá thu hoạch được gần một triệu đồng. “Đó là mức thu hoạch trung bình hằng ngày, hôm nào vô mánh được bốn đến năm triệu đồng không chừng” – ông Tư khoe. Với một chiếc tàu đánh cá bé xíu, chỉ dùng hai lao động mà kiếm được nhiều tiền vậy sao? Ông Tư cười đắc ý, khoe thêm: “Chưa đâu. Nếu gặp bầy cá rách thì khác nào trúng số độc đắc. Phất lên ngay”. Theo ngư dân Phú Quốc, cá rách là loài cá da trơn tương tự cá dứa hay cá bông lau, ở phần bụng có màu hường nhạt, thịt rất ngon, giá trị kinh tế cao. Chúng xuất hiện từng đàn hàng ngàn con, nhưng rất hiếm khi bắt gặp.
Bằng lối kể chuyện mộc mạc, ông Tư kể: từ vài trăm năm trước, con người tìm đến đảo này sinh cơ lập nghiệp, khởi nguồn bằng nghề đánh bắt cá tôm. Quá trình mưu sinh, ngư dân phát hiện Phú Quốc không chỉ là vương quốc của ngọc trai mà còn là xứ sở của những loài cá giá trị cao. Với khá nhiều những loài cá quý có tập tính bầy đàn như mực, cá thu, cá đường, cá ngăn, cá rách, đã giúp ngư dân Phú Quốc cơ hội sống sung túc và làm giàu mau chóng. Cũng bởi vậy mà so với nhiều làng biển ở miền Tây này, ngư dân Phú Quốc là những người gắn bó với nghề biển bền vững nhất. Ông Tư Hạnh nói: “Ở đây kiếm vài trăm ngàn, một triệu dễ như chơi. Chưa nói lâu lâu bắt được một ổ ngọc trai, một bầy cá rách thì khá lên liền”.
Ông Tư gọi những cơ hội đó là trúng giải thưởng của “bà Thủy Long”. “Cũng giống như xổ số kiến thiết. Có người cả đời không trúng, có người trúng vài ba lần. Tui trúng độc đắc hai lần, nhưng được nhận giải có một lần thôi vì không biết dò”.
Hai lần trúng “độc đắc”
Lần gặp cá rách đầu tiên ám ảnh ông Tư Hạnh đến nay, dù đã xảy ra hơn 15 năm trước. Khi đó, ông Tư cùng con trai đang đánh cá trên vùng biển An Thới với chiếc tàu cá nhỏ chỉ bằng hai cái giường ngủ ghép lại. Mẻ lưới đầu tiên của buổi sáng hôm ấy khi vừa thả xuống đã chìm hết phao. Ông Tư tái mặt, nhìn quanh xem có chiếc tàu cá nào không, bởi ông nghi ngờ lưới của mình bị chân vịt của tàu cá lớn kéo mất. Nhưng không, “thủ phạm” là một bầy cá rách đi qua vướng vào lưới và kéo chìm tất cả. Ông Tư nhớ lại: “Hồi nhỏ vẫn thường nghe ông già tôi kể về những bầy cá rách. Lớn lên, thỉnh thoảng cũng nghe ông nầy, ông nọ gặp cá rách, thành triệu phú. Tôi không nghĩ là mình cũng được may mắn đó, nên đâu có chuẩn bị gì. Cho nên khi ấy, tôi không biết xử lý thế nào. Mặt mày thằng con trai tôi cũng tái xanh như đít nhái. Chưa bao giờ tôi thấy được một đàn cá to như vậy. Mỗi con to 3 – 4kg đi thành một đàn. Đàn cá đó, tôi ước lượng có đến vài chục tấn”. Ông không bắt được đàn đó sao mà phải nói ước lượng? tôi hỏi. Ông Tư lắc đầu. Tiếc nuối.
Do thời điểm đó điện thoại chưa phổ biến, cha con ông Tư chỉ còn cách cho tàu của mình chạy theo đàn cá, hy vọng gặp một tàu cá lớn để chỉ cho họ đánh bắt rồi ăn chia. Hai lần cha con ông gặp được tàu cá lớn nhưng họ không hiểu được tín hiệu của cha con ông nên đi luôn. “Do vừa chạy bám đuôi theo đàn cá nên có lẽ họ tưởng chúng tôi đùa, rủ họ đua. Và khi bám đuôi đến hai giờ đồng hồ không gặp thêm tàu nào nữa, vừa sợ hết xăng bị lạc nên chịu thua” – ông Tư kể.
Sau lần bị hụt giải “đặc biệt”, ông Tư về mua điện thoại di động, làm quen với các tàu cá lớn. Ông hy vọng một ngày nào đó sẽ được “hội ngộ” bầy cá rách năm xưa. Và quả nhiên, hơn mười năm sau ước mơ của ông thành hiện thực.
Năm 2009, bầy cá rách ông Tư phát hiện được một tàu lưới bao lớn ở Rạch Giá tóm gọn. Với hơn năm tấn cá, chủ tàu thu được trên 300 triệu đồng, ông Tư được chia 20%. Cùng với số tiền mà cha con ông Tư đánh bắt bầy cá trong lúc chờ tàu lớn đến, ông Tư xây nhà tường, đổi tàu đánh cá mới, trở thành hộ khá ở làng chài Hàm Ninh thơ mộng.