Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 3 (P. 6)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Phòng bệnh gan tụy trên tôm thẻ chân trắng trong 45 ngày đầu cần chú ý những điều gì? (Lê Giang – Sóc Trăng )

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Để phòng bệnh gan tụy bạn phải chú ý ngay từ khâu cải tạo ao nuôi như sên vét hết lớp bùn đen ở dưới đáy ao từ vụ nuôi trước, dùng vôi tẩy trùng kỹ đáy ao (8 – 12 kg/100 m2). Nếu có điều kiện thì nên trải bạt nền đáy ao. Nền đáy ao phải thiết kế một khu vực trũng giữa ao (chiếm 2 – 3% diện tích ao) để gom tụ chất thải và định kỳ xi phông ra khỏi ao. Nước ao nuôi phải được khử trùng bằng các hợp chất chứa Clo (Chlorine, BKC) hoặc các hóa chất khác như Iodine, Formol liều lượng từ 10 – 30 ppm tùy loại. Lưu ý: Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để xử lý nước ao nuôi. Đảm bảo các thông số như pH (7,8 – 8,5), Độ kiềm > 100 mg/l, duy trì ôxy hòa tan từ 4 mg/l trở lên ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tôm giống mua về phải khỏe mạnh, được kiểm dịch, đảm bảo không ủ bệnh.

Sau khi thả tôm 15 ngày cần bón chế phẩm sinh học cho ao (Pond clear, Aqua Green, Aqua Bac, EMC… liều lượng hướng dẫn trên bao bì) để ổn định môi trường nước, khoáng hóa đáy ao. Để duy trì hệ vi sinh vật trong ao nên định kỳ bón chế phẩm 10 ngày/lần, đồng thời trộn các loại men vi sinh và Vitamin C (5 – 6 g/kg thức ăn) và các loại thuốc bổ gan như Glucan hoặc Sansorin + B12 (3 – 5 g/kg thức ăn) cho tôm ăn giúp tôm tiêu hóa tốt.

 

Hỏi: Ao có diện tích 5.000 m2, thả các loại cá mè, chim trắng, trắm cỏ, vược, trôi Mrigal, rô phi. Quan sát thấy cá trôi, rô phi, tép dầu ngớp nhiều và nhảy lên mặt nước, đi thăm hồ thì phát hiện chai nhựa chứa chất màu trắng có mùi hắc, tôi nghi hồ bị thả thuốc trừ cỏ, vậy nên xử lý như thế nào? (Bá Hiền – huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Trả lời:

Theo như mô tả của anh thì cá ở ao nhà anh bị thiếu ôxy hoặc nhiễm độc, cộng với việc anh phát hiện ra chai nhựa có mùi hắc trong ao thì có thể ao nhà anh bị đánh thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc diệt cỏ với liều nhẹ. Do vậy anh nên thực hiện một số biện pháp sau:

Không cho cá ăn và ngưng bón phân xuống ao. Thay nước cho ao ngay bằng cách dùng máy bơm cấp nước sạch vào ao rồi tháo bớt nước ao qua cống thải (thay 3 – 5 ngày liên tục, mỗi ngày thay 10 – 15 cm). Nếu cá vẫn còn biểu hiện yếu như nổi đầu nhiều, chậm chạp, không lặn xuống khi có tiếng động thì tiếp tục thay nước và dùng lưới vét bớt cá chuyển sang ao khác. Lưu ý: Lúc này cá đang yếu nên khi kéo lưới không kéo hết diện tích ao mà theo từng khu vực, đồng thao tác nhẹ nhàng chuyển cá sang ao khác.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!