Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nghêu, hàu chết

Chưa có đánh giá về bài viết

Hơn 10 ngày qua, 431 ha nghêu nuôi và hàng trăm lồng bè nuôi hàu của 14 hợp tác xã, nhiều hộ dân ở bãi Khai Long, xã Đất Mũi và xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển chết trên diện rộng, thiệt hại cho người nuôi trên 29 tỷ đồng. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân nghêu, hàu chết hàng loạt là do yếu tố môi trường bất lợi, sự chênh lệch về nhiệt độ hoặc do tảo độc gây hại.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển cho biết, trong 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, có 14 HTX có nghêu chết từ 10-50%. Tỷ lệ nghêu chết mỗi ngày tăng lên từ 3-5% và có chiều hướng tăng nhanh. Hiện còn 3 lô nuôi nghêu của 2 HTX Khai Long và Kinh Đào Đông chưa phát hiện nghêu chết.

 
 

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển kiểm tra tình hình hàu chết tại địa bàn Rạch Gốc, xã Tân Ân.

Ngoài ra, tại Rạch Gốc có 2 bè nuôi hàu với 160 lồng, mỗi lồng 8 m2 hàu cũng chết hàng loạt, nhất là hàu mới thả nuôi thiệt hại 100%. Một bè 80 lồng hàu hơn 8 tháng tuổi, khoảng 70 tấn hàu sắp thu hoạch chết từ 30-60%. Người nuôi đã áp dụng nhiều biện pháp như nâng lồng hàu nuôi lên gần mặt nước vào ban ngày và hạ xuống vào ban đêm giảm độ lạnh; chuyển đổi bãi nuôi nhưng nghêu vẫn chết.

Ông Trần Văn Hoàng cho biết thêm: "Kết quả xét nghiệm màu nước, đất tại khu vực vùng nuôi, các yếu tố thủy lý, thủy hóa của môi trường như độ pH, độ mặn, COD, nhiệt độ… đều nằm trong điều kiện cho phép, không tìm thấy các loài tảo độc. Thế nhưng, không loại trừ có tảo độc xuất hiện tại vùng nuôi, có thể khi thủy triều đã xuống, tảo độc cuốn đi nên không tìm thấy.

Qua 2 lần thu mẫu nước phân tích, lần sau số lượng vi khuẩn gây hại cho nghêu cao hơn so với lần thu mẫu trước. Theo kết luận ban đầu thì nghêu, hàu chết do tình hình nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm, tăng cao vào ban ngày, chênh lệch trên 10oC, mật độ thả nuôi dày, phù sa nhiều làm cho 2 loài thủy sản này chết.

Anh Trần Văn Em, xã Đất Mũi, cho biết, vào thời điểm này những năm trước, nghêu, hàu nuôi cũng bị chết nhưng ít, mức độ thiệt hại không đáng kể. Theo nhiều bà con xã viên Hợp tác xã Kinh Đào Tây, tỷ lệ nghêu nuôi gần mé rừng chết nhiều hơn bên ngoài, nguyên nhân do thời tiết lạnh.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phân viện phó Phân viện Nuôi trồng thủy sản Minh Hải cho biết, nhiệt độ thời tiết giữa thời gian nước ngập và phơi bãi chênh lệch trên 10oC. Chính sự chênh lệch nhiệt độ này làm cho nghêu, hàu yếu sốc nhiệt và chết. Hiện tại phân viện đang tiến hành phân tích và theo dõi chất lượng nước vùng nuôi để có kết luận về vấn đề này.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT phối hợp với địa phương hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp khắc phục như: chuyển số nghêu, hàu còn sống sang bãi nuôi mới, kết hợp thu gom những mảnh vỏ nghêu, hàu chết khỏi bãi nuôi để tránh lây lan, xử lý ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Khai thác nhanh nghêu, hàu thương phẩm đến lứa thu hoạch, thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi. Người nuôi thường xuyên theo dõi và kiểm soát chặt chẽ nghêu, hàu để kịp thời phát hiện và xử lý, nhằm hạn chế thiệt hại./.

Trúc Ly
(Theo Báo Cà Mau, 28/02/2011)

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!