T2, 06/07/2020 10:50

Ngăn chặn khai thác hủy diệt: Cần nâng cao nhận thức người dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản đã từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, tình hình sử dụng xung điện khai thác thủy sản lại có chiều hướng gia tăng, nhất là khu vực nội đồng.

Chưa hết phức tạp

Tỉnh Long An có khoảng 1.300 tàu cá đánh bắt ven biển và trên sông. Hoạt động khai thác thủy sản nội đồng vào mùa ngập lũ trên các huyện Đồng Tháp Mười diễn ra rất phức tạp với nhiều nghề khai thác khác nhau, người dân đến từ nhiều địa phương ngoài tỉnh. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua 15 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 1.918 cuộc tuyên truyền không sử dụng chất nổ, xung điện và hóa chất độc trong khai thác thủy sản với gần 50 nghìn người dự; phát hành hơn 6.000 panô… Bên cạnh đó, phát hiện 1.257 trường hợp vi phạm, xử phạt 263 trường hợp, phạt tiền 803 triệu đồng, tịch thu gần 30 dinamo, 785 bình ắc quy, 976 bộ kích điện và 280 công cụ vi phạm.

Sử dụng xung điện khai thác thủy sản có chiều hướng gia tăng ở ĐBSCL – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo Ban Chỉ đạo Quản lý Khai thác, Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Sóc Trăng, trách nhiệm quản lý nhà nước và công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản trên địa bàn tỉnh được ngành và địa phương thực sự quan tâm. Trong 15 năm qua, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính hơn 1.300 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là hơn 2,46 tỷ đồng, đồng thời tịch thu gần 200 ngàn dụng cụ vi phạm. Trong các năm tiếp theo, Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu không có trường hợp vi phạm sử dụng chất nổ, hạn chế và tiến tới giảm tới mức tối đa tình trạng sử dụng xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, để làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nâng cao nhận thức người dân, bởi đa số người hành nghề khai thác thủy sản bằng các nghề cấm là dân nghèo, đánh bắt nhỏ lẻ, manh mún.

 

Cần giải pháp mạnh tay

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 01 tại tỉnh Kiên Giang, theo Tổng cục Thủy sản, nhận thức của người dân về bảo vệ thủy sản trong thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ rệt nhưng số vụ vi phạm vẫn còn nhiều. Từ năm 1998 đến nay, cơ quan chức năng các địa phương phát hiện và xử lý vi phạm 898 vụ sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản, 72.248 vụ đánh bắt bằng xung điện và 138 vụ sử dụng chất độc; khai thác thủy sản bằng chất nổ đã làm 18 người chết, 25 người bị thương.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng chưa đạt kết quả cao, do triển khai thiếu đồng bộ; trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra chưa thực sự quyết liệt do bất cập về tổ chức bộ máy; Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 các cấp từ Trung ương đến địa phương chậm được kiện toàn và có nhiều thay đổi nên công tác chỉ đạo không được thường xuyên, liên tục.

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản sớm nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị mới để tiếp tục phát huy Chỉ thị số 01 và cập nhật được tình hình mới về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhấn mạnh tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện…

Đối với các địa phương, cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, nghiên cứu các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng để công tác truyền thông đạt kết quả cao. Song song đó, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra và có hình thức xử phạt nghiêm các hành vi khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, xung điện và chất độc. Trước mắt, đề nghị tập trung thanh, kiểm tra nghiêm việc sử dụng xung điện trong khai thác thủy sản tại các tỉnh nội đồng…

>> Với chi phí thấp, sản lượng khai thác tương đối lớn nên từ lâu các loại chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại đã được ngư dân sử dụng để khai thác thủy sản một cách triệt để. Việc này đã và đang để lại hậu quả lâu dài, nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng suy giảm, đồng thời nguy hại đến tính mạng người sử dụng.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!