T2, 06/07/2020 10:50

Khi “lộc biển” vơi dần…

Chưa có đánh giá về bài viết

Nếu như những năm trước đây, chỉ cần ra cách bờ chưa đầy một hải lý, ngư dân ven biển Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã có thể cào được cả tấn ốc gạo. Thì năm nay, mọi người phải đi thuyền vào tận Đức Phổ và tỉnh Bình Định mới tìm được sản vật này của biển…

Đìu hiu mùa ốc

Tầm tháng giêng đến tháng 3, khi vừa ăn Tết xong, ngư dân các xã bãi ngang ven biển Mộ Đức lại hối hả bắt tay vào việc thu hoạch ốc gạo.  Vì ốc gạo theo sóng biển dạt vào gần bờ nên ngư dân chỉ cần lặn xuống cào mang ốc lên. Không tốn nhiều chi phí, nhưng bình quân mỗi thuyền thu về từ 8 – 10 bao ốc, tương đương với 3 – 5 triệu đồng. Vì vậy, cứ đến mùa ốc gạo là bà con ngư dân lại đổ xô đi khai thác lộc biển để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

 Còn rất ít ngư dân gắn bó với nghề cào ốc gạo.

Còn rất ít ngư dân gắn bó với nghề cào ốc gạo.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, khi bà con ngư dân đổ xô khai thác ốc gạo bằng vợt sắt và quần thảo ngày đêm, khiến loại ốc này ngày càng cạn kiệt. Năm nay, dù đang là giữa mùa, nhưng ốc gạo dọc bãi ngang Mộ Đức còn quá nhỏ so với yêu cầu của thương lái, khiến ngư dân hành nghề cào ốc phải tất tả giong thuyền tìm ốc lớn.

Hối hả trở về sau nhiều giờ cào ốc gạo tận Phổ Khánh (Đức Phổ), ngư dân Trần Tiền Phương ở Đức Minh (Mộ Đức) cho biết: “ Mấy anh em đã cào thử từ Cửa Đại vào tới Mộ Đức, nhưng ốc năm nay nhỏ quá nên phải chạy vô Đức Phổ mới có ốc lớn. Ốc nhỏ quá thì bạn hàng họ chê, không mua”.

Năm nay, ốc gạo không còn dồi dào như mọi năm, chất lượng lại thấp. Nếu như ốc có kích thước lớn, giá mỗi bao dao động từ 500 – 600 nghìn đồng/bao, thì ốc gạo loại nhỏ mà ngư dân cào ngay tại vùng biển Mộ Đức chỉ có giá từ 350 – 400 nghìn đồng/bao. Đấy là chưa kể trường hợp thương lái chỉ lựa chọn ốc có kích thước đạt yêu cầu, chứ không chịu lấy ốc quá nhỏ. Vì thế, dù “lộc biển” nằm cạnh bờ, nhưng ngư dân Đức Minh đành đi lưới ghẹ, lưới cá, thay vì tập trung cào ốc.


Bấp bênh đầu ra

Không còn “hút hàng” như trước đây, năm nay thương lái thu mua ốc gạo theo kiểu nhỏ giọt. Nhiều đợt, thương lái dừng lại cả tuần, không thu mua nên ngư dân cũng chỉ chờ. “ Năm ngoái, khoảng giữa tháng giêng là đã đi cào ốc. Riêng năm nay, tới đầu tháng 2 mà chúng tôi vẫn chưa đi làm. Chừng nào các mối mua hàng ngoài Đà Nẵng gọi điện thì mình mới làm. Nếu không, cào xong chỉ có nước bỏ, vì không biết bán cho ai”, ngư dân Nguyễn Bút phân trần.

Không còn cào ốc sát bờ biển Mộ Đức, ngư dân phải lặn lội dò ốc ở các vùng biển lân cận để tìm ốc lớn nên phí tổn cũng vì thế mà cao hơn hẳn. Trung bình mỗi phiên biển, một thuyền tiêu tốn 300 – 400 nghìn đồng tiền nhiên liệu, cao hơn từ 2 – 3 lần so với trước đây. Chi phí cao dần, đầu ra lại bấp bênh và phụ thuộc hẳn vào thương lái khiến ngư dân dù muốn cũng chẳng thể khai thác nhiều hơn đơn đặt hàng. “Cào ốc tưởng là đơn giản nhưng rất nặng nhọc nên anh em chúng tôi thường đi từ 3 – 4 người để dễ phân chia công việc. Nhưng nếu gặp bữa nhiều người cùng trúng ốc, thương lái lấy có 5 bao ốc thì coi như tiền thu vào không bù đủ công sức bỏ ra”.

Nguồn sản vật ngày càng cạn kiệt khiến đời sống của ngư dân bãi ngang trở nên khó khăn hơn. Qua rồi thời điểm chỉ cần qua khỏi con sóng là “hốt” được bạc triệu, như lời các ngư dân vẫn thường nói. Bởi dù là lộc, nhưng nếu không được bảo vệ mà chỉ biết khai thác theo kiểu tận thu, thì đến lúc cũng phải mất đi…

Ý Thu

Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!