Theo đà thắng lợi vụ nuôi tôm ở ĐBSCL năm 2013 trúng mùa, trúng giá, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng (TTCT) do quay được 2 vòng (90 ngày/vòng/vụ) nên lợi nhuận tăng gấp đôi. Đang cuộc đua mở rộng diện tích nuôi mới; nhưng tình trạng “treo ao” vẫn tiếp tục…
Tấp nập chuẩn bị ao
Dọc theo tuyến đường Nam Sông Hậu, từ thị trấn Long Phú đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3/2014, nhộn nhịp không khí khẩn trương chuẩn bị ao nuôi và thả giống tôm vụ năm 2014.
Ông Quách Văn Sển (ấp Tổng Cán, Trần Đề, Sóc Trăng) vừa kiểm tra quạt nước trong ao nuôi vừa thả giống
Ông Ngô Văn Chiến, ấp Lợi Đức, thị trấn Long Phú chưa phải đại gia tôm, nhưng nhờ thắng lợi nuôi TTCT năm 2013, nay đang chuẩn bị thả giống 2 ao, phấn khởi nói: Năm rồi tôi nuôi chung 2 ao ở ấp Xã Chỉ, tổng diện tích 5.400 m2, thả 2 vụ thu hoạch gần 10 tấn, trừ chi phí còn lãi 700 triệu đồng. Năm nay về đất nhà phá mía lập 2 ao, tổng diện tích gần 5.000 m2, chi phí đầu tư kể cả kéo điện một pha trên 200 triệu đồng, chuẩn bị lấy nước để thả nuôi vào cuối tháng 3 đầu tháng 4.
Tại Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, việc cải tạo ao nuôi cũng đang rất tích cực. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho hay, vẫn còn khó khăn phải đối phó dịch bệnh và khả năng tài chính mỗi hội viên hạn hẹp. Nhưng phấn đấu năm nay sẽ nuôi đạt khoảng 60% tổng diện tích (toàn Hiệp hội có 2.700 ha).
Người thả, người “treo”
Hiện, các vùng nuôi của tỉnh Sóc Trăng chưa thả nuôi đồng loạt nên diện tích còn thấp và phổ biến là thả cầm chừng để tránh thiệt hại. Đến cuối tháng 2, toàn tỉnh thả nuôi được 5.200 ha/45.000 ha, thiệt hại 1.500 ha chủ yếu do bệnh đốm trắng và gan tụy.
Qua tìm hiểu với các hộ nuôi ở vùng nuôi của huyện Trần Đề và một số hộ nuôi trong vùng nuôi của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, đều có chung nhận định: Vụ tôm năm 2014, nếu thắng lợi như năm 2013 thì cũng chỉ thắng với những người có vốn, còn những người thiếu vốn vẫn tiếp tục phải “treo” ao và cơ hội gỡ nợ ở những vụ nuôi từ 2012 về trước càng khó.
Do tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó nên vùng nuôi của huyện Trần Đề và Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, xen lẫn không khí sôi động là cảnh đìu hiu.
>> Theo ông Mai Phước Hưng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, năm 2013, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 514,8 triệu USD, tăng 22,71%. Trong đó xuất khẩu thủy sản 484,722 triệu USD, tăng 35,74%, cao nhất từ trước đến nay. |