Vừa qua, Phòng Kinh tế Hạ tầng phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau hoàn thiện các thủ tục đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu cua Năm Căn.
Huyện Năm Căn có hơn 25.600 ha diện tích tôm xen canh cua – Ảnh: Huỳnh Lâm
Theo đó, nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn sẽ giao cho Hội Thủy sản huyện quản lý và Hội phải xây dựng quy chế hoạt động của nhãn hiệu tập thể theo điều lệ pháp luật quy định. Cua Năm Căn nói riêng và cua Cà Mau được biết đến với chất lượng đặc biệt; Việc công nhận nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn sẽ giúp người dân vùng nuôi cua yên tâm sản xuất và khi cung ứng ra thị trường, sản phẩm sẽ được bảo vệ với thương hiệu riêng.
Huyện Năm Căn là nơi có diện tích nuôi tôm xen canh với cua lớn nhất của tỉnh Cà Mau, với hơn 25.600 ha. Tuy nhiên hiện nay, cua biển Năm Căn, nhất là mặt hàng cua gạch chiếm đến 70% sản lượng chủ yếu được vận chuyển, tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc bằng đường hàng không; phần còn lại được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… là một giải pháp quan trọng phải thực hiện nhằm xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá, chuyên canh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người nông dân. Nhưng để các sản phẩm này phát triển và tiêu thụ rộng rãi thì cần phải có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp như: Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Liên minh Hợp tác xã… để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cũng như quy hoạch lại sản xuất, liên kết sản phẩm, mở rộng thị trường…