Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, 7 tỉnh ven biển ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) đã đề ra kế hoạch mở rộng diện tích nuôi nhuyễn thể, chủ yếu là nghêu và sò huyết lên 28.000 ha đến năm 2015, tăng 5.600 ha so năm 2013; Sản lượng đạt trên 206.000 tấn, trong đó, trên 142.000 tấn nghêu; xuất khẩu đạt 188 triệu USD.
Năm 2015, mở rộng diện tích nuôi nhuyễn thể ở ĐBSCL chủ yếu là nghêu và sò huyết – Ảnh: PTC
Để hoàn thành mục tiêu này, vùng nuôi nhuyễn thể nguyên liệu tập trung được quy hoạch cụ thể tại các địa phương như: huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải (Trà Vinh); huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang); huyện Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); huyện Vĩnh Châu, Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng); huyện Hòa Bình, Đông Hải (Bạc Liêu); huyện Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời (Cà Mau); huyện U Minh, Kiên Lương, An Minh (Kiên Giang).
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo chia sẻ, với phương pháp nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến và hình thức phổ biến là nuôi bãi, nuôi giàn; các địa phương sẽ ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đầu tư chiều sâu để năng suất đạt bình quân 7,3 tấn/ha trở lên; Đồng thời, nhân rộng mô hình nuôi nghêu bền vững của HTX Rạng Đông, Đồng Tâm (Bến Tre) và HTX nuôi nghêu thuộc 3 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành (Trà Vinh) sang những vùng có nguồn lợi phong phú và điều kiện tự nhiên tương tự. Theo đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nghêu chết hàng loạt, ngành thủy sản các tỉnh khuyến cáo người nuôi không thả nghêu giống trong các tháng 1, 2, 3 âm lịch (vì thời tiết không thuận lợi); thường xuyên khảo sát sân, bãi để kịp thời có biện pháp xử lý. Mặt khác, kiểm tra và ghi nhận các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH… hàng ngày làm cơ sở dữ liệu cho quản lý, khai thác nghêu hiệu quả hơn.