Để hỗ trợ cho việc khai thác, đánh bắt được thuận lợi, xã Gio Việt (Gio Linh, Quảng Trị) đã đẩy mạnh hoạt động thu mua, chế biến thủy sản và sản xuất, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây chính là “đòn bẩy” quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Hiện nay, toàn xã có 136 tàu thuyền hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng công suất 14.740 CV. Năm 2013, tổng sản lượng đánh bắt đạt 3.450 tấn, sản lượng thu mua, chế biến đạt 16.000 tấn. Nhờ điều kiện thuận lợi, có nhiều tiềm năng, thế mạnh so với các địa phương vùng biển trong toàn huyện nên ngoài phát triển khai thác, đánh bắt thủy sản, Gio Việt đã chủ động đưa ra nhiều hướng đi mới trong việc đầu tư phát triển các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá như: chế biến thủy sản, hấp sấy cá, sản xuất nước đá, kho cấp đông hàng thủy sản, các dịch vụ cung ứng nhiên liệu, vật tư, ngư lưới cụ phục vụ nhu cầu đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản. Khuyến khích các gia đình, nhóm hộ gia đình đầu tư vốn nâng cấp các cơ sở chế biến hiện có, duy trì, nâng cao chất lượng các ngành nghề chế biến truyền thống, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài tỉnh và cả thị trường nước ngoài. Nhờ đó, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở Gio Việt đã có nhiều điều kiện tốt để phát triển.
Người dân phơi mực, cá trước khi đưa vào lò sấy, hấp
Hiện toàn xã có 253 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, tăng 17 cơ sở so với năm 2012. Trong đó, phát triển mạnh nhất là các cơ sở chế biến cá hấp với 83 cơ sở, 11 cơ sở sản xuất nước đá, 18 cơ sở thu mua thủy sản, 17 kho đông lạnh… Ngoài ra, Gio Việt còn có 3 HTX và 4 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thu mua, chế biến và sản xuất kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Cùng với hệ thống giao thông được xây dựng, nhất là các tuyến giao thông từ khu dân cư ra biển, đến các khu neo đậu, bến bãi cập tàu, chợ cá… đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc neo đậu tàu thuyền, mua bán, vận chuyển hải sản đến nơi tiêu thụ kịp thời, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hiện nay ở xã Gio Việt đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp từ khai thác – thu mua – chế biến và xuất khẩu, tiêu biểu như anh Nguyễn Duy Liệu, Hoàng Ngọc Trung (thôn Xuân Lộc), Nguyễn Văn Từ (thôn Xuân Tiến)… Anh Nguyễn Duy Liệu cho biết, gia đình anh có 3 kho đông lạnh và nhiều lò sấy cá. Vào lúc cao điểm bình quân mỗi ngày anh xuất bán sang thị trường Trung Quốc 1 container trị giá 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí lãi ròng từ 10 – 15 triệu đồng/ngày. Bên cạnh đó, anh Liệu còn đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, với mục đích đa dạng hóa hình thức phát triển kinh tế, đồng thời chủ động nguồn hải sản cung cấp cho các cơ sở chế biến của mình.
Tại cơ sở thu mua và chế biến cá hấp của anh Nguyễn Tiến Dũng (thôn Xuân Tiến), bình quân mỗi năm thu mua gần 200 tấn cá tươi về chế biến, rồi xuất bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động với thu nhập từ 70 đến 80 ngàn đồng/ngày. Anh Dũng cho biết: “Ngày trước, khi các cơ sở thu mua, chế biến và sản xuất kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển, nhiều ngư dân vùng biển gặp rất nhiều khó khăn, chịu cước chi phí vận chuyển hàng hóa để đến tiêu thụ ở trung tâm huyện Gio Linh, thành phố Đông Hà. Mặt khác, khi lên đến nơi thì chất lượng hải sản không còn tươi nguyên nên bị tư thương ép giá… Vì vậy, gia đình tôi đã chủ động đầu tư phát triển dịch vụ thu mua và chế biến hải sản để giải quyết bài toán đầu ra cho ngư dân và làm giàu cho gia đình mình”. Sự phát triển của hoạt động thu mua, chế biến và dịch vụ sản xuất kinh doanh hậu cần nghề cá đã kéo theo nhiều ngành nghề mới ra đời như làm thợ mộc, buôn bán muối, chất đốt… tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động.
Anh Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết, hoạt động dịch vụ thu mua, chế biến thủy sản và sản xuất kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Gio Việt có nhiều bước phát triển mạnh mẽ đã tác động rất lớn đến sự phát triển của nhiều ngành nghề ở địa phương, nhất là khai thác, đánh bắt thủy sản. Hàng năm, ngư dân Gio Việt khai thác trên 3.000 tấn hải sản cung ứng cho các cơ sở thu mua, chế biến và sản xuất kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn. Trong thời gian tới, xã Gio Việt tiếp tục đầu tư phát triển mạnh các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản có quy mô lớn, xây dựng thương hiệu gắn liền với xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm môi trường, xử lý nước thải sau khâu chế biến. Tập trung mọi nguồn vốn đầu tư và tranh thủ thu hút các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước, các tổ chức trong, ngoài nước để xây dựng, nâng cấp chợ Hôm, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão tại thôn Tân Xuân, các chợ cá, đường giao thông… nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa về những tiềm năng, lợi thế kinh tế biển.