Khai thác tận diệt, chạy theo sản lượng… ngành khai thác thủy sản đang làm cạn kiệt tài nguyên đất nước và nghèo cuộc sống người trong nghề.
Tận diệt và cạn kiệt
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản cho biết, đã phát hiện và xử lý 898 vụ sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản, 72.248 vụ đánh bắt bằng xung điện và 138 vụ sử dụng chất độc. Khai thác thủy sản bằng chất nổ đã làm 18 người chết, 25 người bị thương.
Trong 15 năm, tỉnh Long An phát hiện 1.257 vụ sử dụng chất nổ, xung điện và chất độc trong khai thác thủy sản; đã xử phạt 263 vụ (803 triệu đồng), tịch thu 785 bình ắc quy, 976 bộ kích điện và 280 dụng cụ vi phạm. Tỉnh Sóc Trăng phạt hành chính hơn 1.300 vụ, với số tiền hơn 2,46 tỷ đồng, tịch thu gần 200.000 dụng cụ vi phạm. Tuy nhiên, những con số này có lẽ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong thực trạng vi phạm.
Năm 2013, cả nước có khoảng 27.200 tàu công suất trên 90 CV, khai thác hải sản chiếm 40% tổng sản lượng khai thác. Nghĩa là đang có 60% sản lượng hải sản được khai thác ven bờ, bằng tàu công suất nhỏ. Khai thác ven bờ quanh năm suốt tháng, kể cả mùa cá tôm sinh đẻ, bằng lưới mắt nhỏ (thậm chí bằng đèn cao áp, xung điện, chất nổ), là lối khai thác tận diệt.
Nhiều tàu khai thác gần bờ với chủ yếu cá vụn – Ảnh: PTC
Thời gian này, tỉnh Bình Thuận đang cấm khai thác tôm hùm con (cấm từ tháng 3 đến tháng 9). Nhưng vẫn thấy dây phao của bẫy tôm xuất hiện khá dày tại vùng biển Phan Thiết. Chỉ cách bờ hơn 20 m là sự xuất hiện của hàng chục đường dây mắc lưới bẫy tôm hùm con. Các đường dây này được đặt san sát nhau khiến tàu thuyền ra vào bờ rất dễ vướng vào đó…
Chất lượng bị bỏ ngỏ
Cả nước hiện có khoảng 3.500 tàu khai thác cá ngừ đại dương, với hơn 35.000 ngư dân trên biển, cùng hàng vạn lao động liên quan trên bờ. Trữ lượng cá ngừ đại dương còn rất lớn, khoảng 600.000 tấn, cho khai thác một năm khoảng 200.000 tấn, gấp hơn 12 lần hiện nay.
Tuy nhiên, một câu chuyện chào hàng lại không vui. Đó là, đem 4 con cá ngừ đại dương sang Nhật Bản chào bán để làm các món Sashimi, Sushi. Kết quả, 3 con không được chấp nhận, 1 con chỉ lấy được 50% thịt.
Nguyên nhân chính nằm ở khâu đánh bắt. Từ năm 2011 đến nay, nhiều tàu đã chuyển từ hình thức câu vàng truyền thống sang câu tay có dùng đèn cao áp, sản lượng tăng cao nhưng chất lượng cá ngừ đại dương lại giảm. Cùng với hoạt động đánh bắt nhỏ lẻ, kéo dài thời gian con cá ngừ đại dương từ khi bị giật lên khỏi mặt nước đến khi đưa sang Nhật Bản, hơn 10 ngày nên giảm chất lượng.
Ông Phan Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, chỉ có 6% cá ngừ câu tay và 30 – 40% cá ngừ vây vàng đạt tiêu chuẩn làm Sashimi. Một tỷ lệ quá thấp, trong lúc số tàu đánh bắt cá ngừ đại dương chiếm khoảng 14% số tàu cá xa bờ của cả nước. Cũng có nghĩa, chất lượng khai thác xa bờ chưa cao, hằng năm đạt sản lượng hàng triệu tấn nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Từ con cá ngừ đại dương có thể hình dung thực trạng khai thác hải sản ở nước ta, chất lượng quá thấp.
Giải pháp?
Trên nhiều diễn đàn gần đây, nổi lên các ý kiến bức xúc: Xin đừng nói chung chung nữa, đề nghị có việc làm cụ thể.
Ý kiến của ông trợ lý quản lý Quỹ Ủy thác Nhật Bản về kinh nghiệm quản lý nghề cá xa bờ của Nhật Bản rất đáng lưu ý. Quản lý của Nhật Bản dựa trên 3 yếu tố kiểm soát: đầu vào; kỹ thuật; đầu ra.
Kiểm soát đầu vào là kiểm soát số lượng và kích thước các loại tàu; ngư cụ và phương pháp khai thác; tổng sản lượng theo cường lực khai thác. Trong đó, quản lý số lượng và kích thước tàu là quan trọng nhất. Muốn có phép đóng tàu thì trước đó phải có phép khai thác. Từ những thông tin về loài hải sản và vùng biển được phép khai thác, mới cấp phép đóng tàu phù hợp để khai thác. Nguồn lợi hải sản là tài nguyên quốc gia, khai thác phải trên cơ sở bảo vệ phát triển bền vững, không phải mặc sức ai bắt được nấy ăn.
Kiểm soát các yếu tố kỹ thuật là kiểm soát kích cỡ mắt lưới, kích cỡ cá, mùa khai thác và ngư trường. Việc kiểm soát này được thực hiện thường xuyên: trên tàu trong qua trình khai thác (dưới sự kiểm tra của các thanh tra viên), tại ngư trường, nhằm duy trì các điều kiện tốt nhất bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản. Kiểm soát đầu ra là kiểm soát tổng sản lượng khai thác theo giấy phép.
Gần nước ta hơn, Malaysia cũng có những quy định khai thác gắn liền với bảo vệ nguồn lợi hải sản rất cụ thể, nghiêm ngặt. Chẳng hạn, tàu khai thác phải theo mùa vụ, cách đất liền 30 hải lý, cách đảo 15 hải lý.Mọi con tàu có phép sẽ được gắn chíp định vị toàn cầu để cơ quan quản lý theo dõi. Nếu phát hiện vi phạm, có thể dùng trực thăng hoặc tàu cao tốc xử lý ngay trên biển, bị phạt nặng và tịch thu sản phẩm. Nhờ thế, hải sản không cạn kiệt, ngư dân không nghèo như ở Việt Nam.