Tại các làng nghề đánh bắt thủy sản ven biển ở vùng ĐBSCL, ngoài tàu, thuyền khai thác đa dạng như (cào, lưới đèn, câu mực…), còn có một nghề được xem là “song sinh”: Đan, vá lưới. Ngoài phục vụ cho những chuyến ra khơi của tàu đánh bắt thủy sản, công việc này còn góp phần tạo việc làm lao động (LĐ) nông thôn; nhất là LĐ nữ…
Nghề vá lưới ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Ở các tỉnh ven biển Đông (Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu…), nghề vá lưới nhộn nhịp từ tháng 5 – tháng 7 do mật độ tàu ra khơi nhiều. Còn tại các địa phương ven biển Tây như thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Kiên Giang, tàu ra khơi liên tục quanh năm (cao điểm từ ngày 20 – 24 âm lịch mỗi tháng). Khoảng từ ngày 10 – 12 âm lịch mỗi tháng, tàu quay về đất liền và công việc vá lưới bắt đầu. Chị Nguyễn Thị Tố Quyên – ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre – cho biết: “Tôi làm nghề vá lưới đã hơn 20 năm, bình quân mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng. Nếu vá lưới trên tàu được khoảng 120.000 đồng/ngày, gia đình sống tằn tiện cũng tạm ổn…”.
Hiện những người làm nghề vá lưới thường tập hợp nhau thành từng nhóm nhỏ (số người mỗi nhóm tùy thuộc yêu cầu của chủ tàu). Nhóm trưởng có nhiệm vụ thông báo lịch làm việc, địa điểm cho các thành viên, nhận tiền từ chủ tàu và phân phối lại cho người cùng nhóm theo ngày công LĐ. Cũng theo chị Quyên: “Tuy không cực lắm nhưng nghề này đòi hỏi nhanh tay, khéo léo; phải tinh mắt tìm ra những lổ rách nhỏ nhất, sắc xảo trong từng mũi khâu. Thời gian làm việc từ 7h đến 16h, buổi trưa nghỉ 30 phút ăn cơm. Cơm tự mang theo do chủ tàu không hỗ trợ phần nầy. Khi tàu về thường vá lưới trên tàu, khi tàu xuất bến thì nhận vá lưới trên bờ”.
Thị trấn Sông Đốc hiện có trên 1.000 LĐ nữ làm nghề này. Công việc nhẹ nhàng nên nhiều trẻ em cũng theo gia đình hành nghề để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo nhiều chị em hành nghề vá lưới lâu năm, công việc này tuy không tốn sức, song những người theo nghề lâu năm thường bị tê thấp, đau cột sống, đau khớp chân tay… Còn nhiều chủ tàu nhận xét: Đan lưới khó hơn vá lưới, người đan phải thuần thục việc cắt mặt lưới rồi ráp lại thành giàn lưới lớn. Bình quân để đan giàn lưới dài trên 100m cần 4 – 5 nhân công, làm trong 6 – 7 ngày mới hoàn thành. Tuy nhiên, hầu hết người đan, vá lưới ở các địa phương vùng ĐBSCL đều không có hợp đồng lao động dẫn đến việc không được hưởng BHXH, bảo hiểm y tế…