T2, 06/07/2020 10:55

Nghề câu tản mạn

Chưa có đánh giá về bài viết

Nháy nhẹ thoảng qua của mực, sựt miết vào ngón tay của những chú cá vài ba ký, hay phựt đánh nhoằng muốn kéo cả người câu xuống biển của những chú cá khủng… Dù là thế nào sau những tác động ấy, khuôn mặt anh ngư dân sáng bừng lên.

Dù làm nghề gì, kể cả tàu đi nghề câu, đi dài hay ngắn, khơi hay lộng, trong hành trang riêng của anh ngư dân ra biển bao giờ cũng có cuộn dây và mớ lưỡi câu. Lúc rỗi câu quanh mạn kiếm con cá cho mấy đứa nhỏ ở nhà, hay đem phơi khô về rủ anh hàng xóm nhậu lai rai. Nhiều thì bán, mớ cá kiếm thêm ấy đôi khi lại là thu nhập chính cho chuyến biển không lỗ. Cái nghề câu may rủi bậc nhất, cũng vì thế mà kiêng cữ bậc nhất, mới ra biển không biết mà phạm thì dễ bị đẩy xuống biển “tắm cho nó nhớ”.

 

Một đèn, một thúng, một dây câu

Câu nhiều nhất phải kể đến câu mực. Phàm là ngư dân anh nào cũng biết qua câu mực, như cái thẻ hành nghề, chưa biết thì không ra biển kiếm sống được. Phổ biến là thế nhưng cơ cực bậc nhất trong nghề biển cũng phải kể đến câu mực, nhất là mực khơi. Giống mực thường phải dụ đèn, đêm càng đen càng tốt. Trong đêm tối anh ngư dân mang theo cây đèn bằng đầu ngón tay cùng sợi dây câu xuống chiếc thúng, đơn côi lao vào lòng biển. Rồi mặc cho sóng gió đưa đẩy chiếc thúng như chiếc lá tre trên sóng. Người canh trên tàu mẹ cứ dõi theo bóng đèn trên thúng để thỉnh thoảng lại nổ máy chạy theo. Mỗi đêm có khi trôi đến 20 hải lý (gần 40 km). Không may gặp tàu mẹ chết máy thì… sang tận biển Mã Lai (Malaysia) hay In Đô (Indonesia) là chuyện thường. Sự cố thường gặp nhất của nghề câu mực là giông. Biển nổi giông bất thường cũng là chuyện… thường. Chiếc thúng mỏng manh chỉ vài ba cú giật như đùa của giông là ụp, phó mặc tính mạng cho hên xui. Tôi một lần xuống thúng câu mực ở vùng biển Trường Sa, năn nỉ mãi mới được đi. Anh em cử bác cả cao niên nhất tàu cho đi cùng. Trước lúc xuống thúng tính sẽ làm bao chuyện: Nào cố câu chú mực bự cả chục ký, chụp ảnh bác cả câu mực thật long lanh… Xuống thúng rồi thấy ngồi được cho yên đã không dễ. Mãi rồi tôi cũng loay hoay chụp được mấy tấm ảnh. Con mực tôi chụp “trả thù” bằng cả một túi nước đen ngòm xít thẳng vào ống kính, cũng đành, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Ước mong được giật chú mực thật to từ trên thúng câu đành… khất không bao giờ thực hiện được.

Cuộc chiến với chú cá kiếm của ngư dân ở Trường Sa – Ảnh: Xuân Trường

 

Câu rạn

Câu rạn có cả một nghề, làm nghề ấy phải thuộc các rạn san hô ngầm dưới lòng biển hơn vết vân lòng bàn tay. Rạn nào cá nhiều thành “lò”, “vựa”, là bửu bối của dân câu. Thường loại rạn đá ấy là những rạn ngầm, có khi sâu đến vài chục sải. Cá rạn ăn theo con nước, con trăng nên nhiều khi biết có rạn mà không biết có cá. Thuyền trưởng Phạm Thế Nhân, tàu QB 91269 TS, kể: “Cá biển hên xui lắm, muốn cho chắc phải có vài ba cái rạn làm chỗ cứu đói”. Thường cha truyền cho con, hay anh em bảo cho nhau, cũng có trường hợp phải “mua”, giá cũng tùy, ít thì két bia, nhiều có khi cả trăm triệu đồng. Cá mỗi rạn một tính, có nơi ăn mồi khi nước lên, nơi ăn khi nước xuống, nước đứng. Cả ngày chờ đến giờ mới thả câu, thả sớm mồi ươn, thả muộn qua mất nhịp thì… nhịn. Đợt tôi theo tàu anh Nhân ra biển trước Tết Giáp Ngọ, thấy anh đậu tàu chơi mãi, tôi giục, anh chỉ cười. Quá trưa một tý, nhìn con trăng mờ trên trời, anh hạ lệnh buông câu. Hơn 1 giờ, tàu câu được 10 chú cá thu, chú nhẹ cũng 5 kg, chú nặng đến 15 kg. Chuyến này cá ít quá, may có mấy buổi câu cá thu rạn, bán được 42 triệu đồng, gần đủ tiền dầu. Cái rạn cá “cứu đói” là thế.

Ngư dân đi Trường Sa, Hoàng Sa dù làm nghề gì cũng đều có “nghề phụ” là câu rạn. Cá rạn ở đây nhiều mà ngon… thôi rồi. Cũng loài cá ấy mà câu được ở rạn bao giờ cũng khác hẳn – chắc, ngọt, thơm. Rạn ở Trường Sa nhiều nhất, dễ câu nhất phải kể đến cá hồng; ngon thì cá mú, chủa… Rạn sâu hơn chút có cá thu, ngừ, mắt ngọc… Riêng giống cá mắt ngọc thì… ăn một lần nhớ cả đời, bởi ngọt béo đến lạ kỳ. Anh nào thấy ngon mà ăn nhiều thì cũng không quên được vì cái nỗi… vào đằng trên ra đằng dưới, béo bổ quá như nhung hươu vậy, hệ tiêu hóa không chịu nổi. Có lẽ cũng vì cái sự rất oái ăm này mà ngoài cái tên mỹ miều “mắt ngọc”, giống cá này có nhiều tên lạ: “thầy bói”, “cá đen”, “cá ngộ nghĩnh”.

 

Vừa thích vừa sợ

Đệ nhất cho loại cảm giác này là câu cá kiếm. Không phải là câu nữa mà là một cuộc đấu. Cá kiếm, ngoài cái tên thông dụng ấy, ngư dân ta còn gọi cờ kiếm, cờ đao còn có tên khác, cũng là tên khoa học: Cá đấu sĩ (Xiphias gladius), người ta đặt cho nó cái tên này không chỉ vì cây kiếm trên đầu, hàng vây lưng như cờ trận mà còn vì tính dũng mãnh của nó. Bị mắc câu, cá kiếm không vùng vằng chạy mà lao lên tấn công lại người câu. Chỉ cần con cá nặng đến 30 kg là đủ sức đâm kiếm xuyên người anh ngư dân, cỡ trên 50 kg mũi kiếm của nó đâm xuyên thủng ván tàu dày hơn 10 cm. Đợt tôi theo tàu câu PY 90479 TS ở Trường Sa, đang kéo câu thấy nước hầm tàu lên nhanh quá, hoảng. Bơm kiểm tra thấy hai vết thủng phía trong cũng bằng ngón chân cái. Hai vết thủng chí tử ấy hóa ra có từ chuyến câu trước, sản phẩm từ hai cú đâm của cá kiếm. Không ai để ý, đến chuyến này mũi kiếm gãy mắc lại bị động mạnh mà rời ra, chút nữa thì… no nước. Chuyến đi với tàu PY 90479 TS chúng tôi câu được gần 20 chú cá kiếm chú nặng nhất đến 120 kg, hôm ấy cả 10 anh em trên tàu cùng với trợ lực của tời mới kéo được chú cá khủng này lên tàu. Mỗi lần người đứng đầu dây câu hô… “cờ kiếm” là cả tàu lao xao chạy, hồi hộp như chuẩn bị chiến đấu. Sau mỗi lần chinh phục được chú cá dữ, anh em giữ lại cây kiếm làm kỷ niệm như thợ săn giữ chiếc sừng, nanh thú vậy.

Nếu cuộc săn cá kiếm là cuộc đấu hào hùng thì cuộc câu cá mập là cuộc chiến đơn thuần với quái vật. Giống cá này ăn tham và liều kinh khủng. Chúng sẵn sàng nhào vào cướp lấy con cá đã mắc câu ngay trước mũi người câu. Được thì lặn mất tăm với miếng ngon cướp trên tay ngư dân, không được thì quần đi quần lại quanh thuyền như tức tối. Một lần, tôi chộp được vào máy ảnh một chú cá mập tức tối như thế. Trừ những thuyền chuyên câu cá mập, có mồi, dây, lưỡi câu riêng thì thường cá mập mắc câu do thói tham lam cướp mồi của nó. Gặp nó ngư dân cũng… thích, vì bộ vây tiền triệu nhưng thực là sợ, hay đúng hơn là cảm giác ghê ghê bộ răng sắc như dao cạo. Bập một cái là chân, tay hay cả người đứt ngọt không kịp biết. Ghê nó là thế nhưng cấm có anh ngư dân nào vì sợ mà chặt dây câu bỏ con cá đã mắc. Sinh nghề tử nghiệp rồi, biển đã cho mà không nhận thì… bỏ biển mà lên bờ.

>> Xuống thúng bị sóng giật cho mấy cái, thấy… ân hận liền. Bác cả hỏi tôi có sợ không? Đành thú thực rằng sợ. Ông cười và cũng thật lòng: “Hơn 30 năm đi biển nhưng lần nào bước xuống thúng cũng vẫn trờn trợn”.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!