Chấp nhận sóng gió cùng con cá tra, sau 10 năm hoạt động, 9 năm đạt lợi nhuận và chỉ 1 năm chịu lỗ. Đó là Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Dám nghĩ, dám làm
Ngày 23/10/2003, HTX Thủy sản Thới An ra đời, gồm 10 xã viên, 1 ao nuôi 3.000 m2 trị giá 40 triệu đồng, vốn điều lệ 500 triệu đồng. Mỗi cổ phần trị giá 500.000 đồng. Ông Nguyễn Ngọc Hải được bầu làm Chủ nhiệm, hiện là Giám đốc HTX.
Vụ đầu tiên, HTX thả nuôi cá chỉ một ao mà cần vốn hơn 1 tỷ đồng. Thiếu tiền, xã viên phải góp thêm vốn. Lúc đó nhờ gặp may, có lợi thế ao nuôi cá ven sông Hậu, nguồn nước bạc thông thống, thuận tiện cấp nước sạch, cá mau lớn, ít bệnh. Sau 6 tháng thu hoạch 150 tấn cá tra, thu lãi trên 300 triệu đồng.
Một số người cùng bàn bạc ban đầu còn do dự, khi thấy hiệu quả như vậy liền hăng hái góp thêm vốn. Tổng số xã viên từ đó tăng lên 20. HTX thuê thêm 2 ha mặt nước bên ao nuôi ban đầu. Những vụ nuôi sau đó liên tiếp thắng lợi. Diện tích ao nuôi tăng lên 10 ha, sản lượng hơn 3.000 tấn/năm. Doanh thu năm 2003 mới 1,3 tỷ đồng, năm 2010 đã lên 300 tỷ đồng. Năm 2010, HTX đăng ký lần 2 – vốn điều lệ 5,7 tỷ đồng, tăng 11 lần so với ban đầu.
Năm 2013, sản lượng cá tra của HTX Thủy sản Thới An đạt trên 5.000 tấn – Ảnh: Gia Bảo
Làm ăn kiểu mới
Ông Hải nói: “HTX kiểu cũ nặng về gò ép xã viên; đôi khi Ban chủ nhiệm không làm theo nhu cầu của xã viên. HTX kiểu mới, xã viên tự nguyện làm ăn chung; bộ máy quản lý gọn nhẹ. Quan trọng nhất là minh bạch tài chính, lương, chi phí. Sau mỗi vụ, nếu có lợi nhuận thì chia theo tỷ lệ vốn góp. Ban chủ nhiệm HTX chỉ hưởng lương theo mức khoán 0,6% lợi nhuận trước khi chia cổ tức”.
HTX từng rơi vào tình thế gian nan, thử thách độ bền trong mối liên kết “ngang” giữa các thành viên. Đó là vào năm 2005, năm duy nhất HTX bị lỗ 600 triệu đồng. Một số xã viên hoang mang khi thị trường cung cấp cá tra nguyên liệu có sự chuyển hướng; thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào cá tra, mua đất đào ao, tự lực hình thành vùng nuôi cá, chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ lâm cảnh lỗ lã.
Đối phó thế nào? Ban chủ nhiệm HTX vận động xã viên tiết giảm chi phí, cải tiến kỹ thuật nuôi, tìm doanh nghiệp mua vật tư, thức ăn, thuốc thú y tận gốc; bán trực tiếp cá nguyên liệu cho doanh nghiệp. Dự đoán giá cá tra liên tục biến động, HTX chủ động quan hệ với Công ty CP Hùng Vương, hợp đồng bán cá trước khi nuôi; cam kết đảm bảo chất lượng, số lượng, thời gian.
Năm 2008, HTX và Công ty Hùng Vương ký hợp đồng mới, trên cơ sở hợp tác đầu tư. Công ty khoán cung cấp thức ăn và khoán chi phí (nuôi cá giống, thuốc trị bệnh, công nuôi…). HTX tổ chức nuôi, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, hưởng giá trị trên sản lượng cùng phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi. Như thế thì HTX không phải đầu tư vốn nhiều, lại bớt rủi ro.
5 năm nay, HTX duy trì mức lãi 1.500 – 2.000 đồng/kg cá. Năm 2013, sản lượng trên 5.000 tấn cá nguyên liệu, lợi nhuận trên 10 tỷ đồng.
>> “Cần có thêm các HTX và doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng. Đây là mối liên kết dọc – điều kiện cần cho giai đoạn chấn chỉnh thiết lập quan hệ sản xuất trong ngành hàng cá tra”, ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc HTX Thủy sản Thới An chia sẻ. |