Đường ra ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của ngư dân giờ đây gặp nhiều khó khăn cùng những hiểm nguy luôn rình rập bởi hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cách hành xử thô bạo, hiếu chiến của họ. Nhưng những ngư dân của thành phố Đà Nẵng vẫn vững vàng vươn khơi bám biển.
Cá, mực vẫn chảy về từ Hoàng Sa
>> Tàu ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc va chạm Ngày 15/5, Đồn Biên phòng Sơn Trà tiến hành lập biên bản sự việc tàu cá số hiệu QNg 94290 của ông Phan Cu (SN 1965, ngụ huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc tấn công trước đó khi đang hoạt động trên biển thuộc chủ quyền vùng biển nước ta. Theo ông Phan Cu, khi ông cùng 12 ngư dân khác đi trên 2 tàu giả cào, tiến thẳng ra ngư trường Hoàng Sa thì đến khoảng 2 giờ ngày 13/5 bị tàu Trung Quốc húc vào, gây hư hỏng nhẹ. |
Cảng cá Thọ Quang trong những ngày này luôn náo nhiệt. Từ địa điểm thu mua cá, cửa hàng bán nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ ngư dân đi biển cho đến các bà, các chị em ngồi đan lưới đều râm ran bàn tán chuyện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cách hành xử hung hăng, hiếu chiến đầy bạo lực của tàu Trung Quốc với tàu cá của ngư dân cũng như các tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Những thông tin, diễn biến trong những ngày qua liên tục được cập nhật sau mỗi chuyến tàu đầy cá trở về từ Hoàng Sa.
Cứ nghe tin có tàu từ vùng biển “nóng” trở về thì họ xúm lại hỏi han. Nào là “có thả lưới gần giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của ta không? Có bị tàu Trung Quốc đuổi, đâm không? Tàu nọ, tàu kia khi nào về?… Vì vậy mà khi nghe kể tàu của ông Lê Văn Tiến (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) mang số hiệu ĐNa 90052 đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, trên đường về còn bị tàu họ kìm kẹp, phải đi vòng vì giàn khoan Hải Dương-981 án ngữ thì ai cũng tỏ ra ấm ức. Họ bảo: “Hoàng Sa là của mình, Trung Quốc trắng trợn xâm phạm mà còn ngang ngược, sao không bực!”. Ông Tiến liền mở khoang tàu nói lớn: “Gần 10 tấn cá, mực của Hoàng Sa mình đây!” khiến mọi người có mặt trên cảng cá đều xúc động.
Những ngày này nhiều tàu cá của ngư dân thành phố Đà Nẵng nặng trĩu cá, mực trở về cập Cảng cá Thọ Quang sau những chuyến khai thác, đánh bắt ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng khác với những lần trước, lần này trở về từ biển khơi, ngư dân không chỉ vui vì trúng được mẻ cá lớn mà còn ấm lòng vì sự quan tâm, sẻ chia của mọi người.
Ngư dân vận chuyển quà lên tàu – Ảnh: Ngọc Phú
Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ tàu ĐNa 90493 TS mới cập bến cho biết: Khi biết tàu tôi đánh bắt gần vị trí giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người thân, bạn bè trong đất liền liên tục gọi điện thăm hỏi và dặn phải hết sức cẩn thận, kiềm chế. Nếu tàu Trung Quốc đuổi, đâm thì phải thông báo với lực lượng chấp pháp trên biển và anh em tàu bạn giúp đỡ. Dù tàu ông mới về bến, nhưng ông Bảy đã hối thúc 15 lao động chuẩn bị sẵn sàng 3 ngày nữa sẽ tiếp tục vươn khơi. Ngư trường đánh bắt vẫn là ngư trường quen thuộc Hoàng Sa.
Vững vàng vươn khơi bám biển
Chủ tàu ĐNa 90052 cho biết: Tàu của ông đã nạp đủ dầu, đá cùng các nhu yếu phẩm bảo đảm cho anh em thuyền viên đánh bắt ở Hoàng Sa một tháng. Phiên biển này được ông chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chu đáo, từ thức ăn, nước uống đến động viên tâm lý cho anh em làm việc trên tàu. Lý giải điều này, ông bảo rằng: Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng biển của mình, mình càng phải động viên anh em vững lòng bám biển, vươn khơi nhiều hơn nữa. Bởi chúng tôi muốn Trung Quốc biết rằng, ngư dân Việt Nam yêu hòa bình nên nhường nhịn, chứ không phải sợ họ. Vậy nên dù có bị tàu Trung Quốc kè đuổi, hăm dọa, đâm húc… chúng tôi cũng quyết không rời biển nửa bước. Đây là vùng biển đánh bắt truyền thống từ bao đời nay của các thế hệ ngư dân chúng tôi.
Đồng hành, tiếp sức cùng ngư dân, Nghiệp đoàn nghề cá thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền công khai diễn biến tình hình trên Biển Đông. Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Đà Nẵng cho biết: “Càng khó khăn, càng tăng ý chí của ngư dân, vì họ biết ra biển không chỉ để mưu sinh mà còn phải giữ biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc”.
>> Chiều 15/5, UBND quận Hải Châu, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu phối hợp tổ chức lễ ra quân và trao quà cho 6 tàu có công suất lớn thuộc địa bàn quận. Tại buổi lễ ra quân, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu đã hỗ trợ cho mỗi tàu 5 triệu đồng cùng một suất quà gồm: gạo, nước mắm, mì tôm, nước uống. Chi đoàn Thanh niên Tài chính kinh tế quận Hải Châu cũng hỗ trợ cho mỗi tàu một thùng mì tôm. UBND quận Hải Châu cho biết, trên địa bàn quận có 10 tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Đến thời điểm hiện tại có 4 tàu đang hoạt động trên biển. Tại buổi lễ ra quân, gần 100 lao động, thuyền viên, thuyền trưởng của 6 tàu ai cũng hớn hở, quyết tâm ra khơi bám biển. Chuyến đi biển lần này, tàu của Thuyền trưởng tàu hậu cần ĐNa 90444- TS Lê Văn Sang chở 800 cây đá, 3.000 lít dầu cùng nhiều nhu yếu phẩm để ra khơi cung cấp cho ngư dân, cũng như thu mua hải sản cho bà con yên tâm bám biển dài ngày. “Trước giờ lên đường, ngư dân chúng tôi được Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu hỗ trợ tiền, quà. Vật chất tuy không lớn nhưng động viên chúng tôi quyết tâm bám biển”, ông Sang chia sẻ. Còn chủ tàu kiêm thuyền trưởng ĐNa 90350 – TS Nguyễn Văn Điều cho biết, chuyến đi biển lần này ông chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm cho cả tháng. Theo ông, trước đây một chuyến biển nhiều nhất là 20 ngày, nhưng trong thời điểm đặc biệt này, phải ở biển dài ngày để làm điểm tựa cho lực lượng chấp pháp đuổi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngọc Phú |