Tháng 2/2014, Tổng thống Barack Obama đã ký đưa Đạo luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ (Farm Bill 2014) vào thực hiện, sau khi được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua. Đạo luật có điều khoản quy định, cá tra của Việt Nam xuất vào Mỹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như cá da trơn của Mỹ. Hàng hoá phải dán nhãn xuất xứ nuôi trồng, nơi chế biến, cách thức chế biến. Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ đưa ra tiêu chuẩn và kiểm tra.
Còn vài tháng nữa, Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể. Các chuyên gia dự đoán sẽ khó khăn hơn cho cá tra xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết: “Chúng ta chờ đợi để phối hợp thực hiện. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ rà soát lại để đáp ứng điều kiện mới, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Mỹ”.
Ông Hồ Văn Vàng, chủ doanh nghiệp nuôi cá tra có diện tích lớn ở xã An Phước (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), lo lắng chi phí nuôi tăng lên mà giá bán không theo kịp nhưng cũng hy vọng, đây là dịp sàng lọc bớt những cơ sở nhỏ lẻ để đảm bảo chất lượng cá tra. Ông nói: “Hy vọng đây là cú hích để đảm bảo uy tín cá tra chứ như lâu nay lộn xộn quá. Mới đây, thị trường Nga đã đóng cửa với cá tra do chất lượng không đảm bảo”. Chưa dừng ở đó, một doanh nghiệp Hà Lan cũng vừa cảnh báo một số doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chất phụ gia cấm trong chế biến cá tra, có thể bị EU từ chối nhập khẩu.
Nên ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An chuyên nuôi cá tra ở phường Thới An (Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ), mạnh mẽ hơn: “Theo tôi, đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn để cá tra tốt hơn, còn là cơ hội để cấu trúc lại ngành cá tra. Tôi xin nói, cấu trúc lại chứ không phải tái cơ cấu, nghĩa là phải xây dựng lại từ đầu, từ giống, thức ăn, nuôi, vận chuyển đến chế biến, đóng gói, xuất khẩu”.
Với Farm Bill 2014, cá tra Việt Nam đang đứng trước thách thức cũng như cơ hội mới – Ảnh: Ngọc Trinh
Những tiêu chuẩn cao của thị trường Mỹ, xem ra đang được những người tâm huyết với con cá tra sẵn sàng đón nhận. Bởi vì, họ không còn chịu nổi cung cách làm ăn tùy tiện, thiếu quản lý nên vàng thau lẫn lộn, làm mất uy tín cá tra. Như Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng nói: “Ngành cá tra toàn những người tự cho mình là giỏi nhưng chỉ quan tâm đến lợi ích của mình”.
Hậu quả nhãn tiền, hàng năm cá tra được nuôi và chế biến xuất khẩu sản lượng lớn nhưng giá trị chưa tương xứng, nhiều người nuôi và cả doanh nghiệp chế biến đã sạt nghiệp. Đất nước cũng chẳng được lợi lộc bao nhiêu trong khi tài nguyên bị khai thác ráo riết, đôi chỗ còn gây ra ô nhiễm môi trường. “Xuất khẩu nhiều mà cứ nghèo đi thì xuất khẩu làm gì?”, ông Hải nêu lên câu hỏi nhức nhối và ông cũng mạnh dạn trả lời: “Nên phải xây dựng lại ngành cá tra theo tiêu chuẩn cao để làm giàu cho người nuôi, doanh nghiệp và đất nước. Ai không còn làm được thì tránh ra cho người khác làm”.
Trước thách thức mới, nhiều người trong ngành cá tra đã nhìn thấy cơ hội sàng lọc, cấu trúc lại để phát triển. Biết đâu cũng là cơ hội mới mở ra từ đầu năm 2014.