Cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Ninh cho biết, để bảo đảm cho một vụ nuôi đạt hiệu quả, các hộ nuôi trồng cần có những biện pháp chuẩn bị tích cực để ứng phó khi dịch bệnh thủy sản xảy ra.
Nuôi trồng thủy sản tại Bắc Ninh – Ảnh: Quốc Minh
Từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, thời tiết có những diễn biến phức tạp, ngày nắng nóng, đêm mưa dông, tạo ra chênh lệch nhiệt độ trong môi trường ao nuôi, khiến cá bị sốc nhiệt hoặc nhiễm các khí độc sản sinh trong ao như H2S, NH3…. Khi đó, sức đề kháng của cá giảm và đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể cá với các bệnh do ký sinh trùng như: trùng bánh xe, trùng mỏ neo, nấm thủy mi, hoặc các bệnh do vi khuẩn, virus như đốm đỏ, viêm ruột… Vào cuối tháng 4, tại một số vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Phù Lương, Đức Long (Quế Võ), Lạc Vệ (Tiên Du), Phú Hòa (Lương Tài) xảy ra tình trạng cá chép, trắm cỏ chết rải rác do nhiễm nấm và vi khuẩn. Chi cục Thủy sản tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm và đưa ra giải pháp chữa bệnh kịp thời.
Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo, đối với các ao cá bị bệnh, cần giảm lượng thức ăn để tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước, có biện pháp cách ly với các ao bị bệnh xung quanh. Ngay khi phát hiện ra ao nuôi có biểu hiện lạ, người dân nên báo cho cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản để chẩn đoán, thu mẫu xác định nguyên nhân và cách chữa bệnh. Ngoài ra, người dân cần quản lý tốt 3 yếu tố: mầm bệnh, môi trường và vật chủ.