Vụ cá Bắc năm 2010 – 2011, thời tiết có những bất lợi: Liên tiếp các đợt gió mùa đông bắc làm biển động, sóng to, đặc biệt suốt từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 3-2011 rét hại kéo dài, đàn cá di cư xuống vùng biển ấm phía nam nên vùng biển tỉnh Nam Định cá ít hẳn so với mọi năm; giá vật tư, ngư lưới cụ và xăng dầu đều tăng cao…
Bên cạnh đó, những khó khăn trong nghề khai thác hải sản tỉnh từ nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục như: Việc đầu tư cho công tác điều tra, thu thập, xử lý, đánh giá dự báo ngư trường, nguồn lợi… của ngành còn hạn chế, chất lượng dự báo thấp, chưa chỉ rõ được ngư trường có lợi cho đánh bắt của ngư dân. Hệ thống hậu cần, dịch vụ cho nghề khai thác còn yếu kém. Toàn tỉnh với lực lượng 2.355 tàu thuyền khai thác thuỷ sản tổng công suất 87 nghìn CV, mới chỉ có 6 tàu dịch vụ trên biển nhưng chủ yếu là thu mua sản phẩm. Đặc biệt 614 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ do không có hệ thống tàu dịch vụ trên biển nên mất nhiều thời gian đi về. Đội ngũ 4.700 thuyền trưởng, máy trưởng, các thuyền viên chưa được đào tạo bài bản, nên năng lực quản lý, kỹ thuật… hạn chế, chủ yếu đánh bắt theo kinh nghiệm, chậm tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thuỷ hải sản. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm, các đội tàu tỉnh đã kiên trì bám biển đánh bắt hải sản.
Tàu thuyền của ngư dân Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản.
Anh Lại Văn Dũng ở xã Hải Chính có tàu đánh bắt xa bờ công suất 200CV cho biết: “Thời tiết lạnh, vụ cá Bắc năm 2010 – 2011 tàu của chúng tôi vào tận khu vực Quảng Bình để đánh bắt cá và nhập sản phẩm cho các địa phương thuộc khu vực đánh bắt. Cự phách trong “làng” khai thác vụ cá Bắc năm nay phải kể đến tàu của ông Được, ông Hiền, ông An… ở xã Hải Triều (Hải Hậu). Với kinh nghiệm đánh bắt cá đao, chỉ trong 2 chuyến trước và sau Tết Nguyên đán có tàu đã thu vài tỷ đồng. Còn các ông: Hùng, Huynh, Hiên, Long, Đệ… ở xã Hải Lý (Hải Hậu), ngay từ ngày mồng 3 Tết Nguyên đán đã tổ chức ra khơi đánh bắt và các chuyến khai thác đầu năm năng suất các tàu đều đạt doanh thu tiền tỷ. Ông Phạm Thanh Hoà ở xã Hải Xuân (Hải Hậu) có 5 tàu đánh bắt hải sản cũng đều “nhổ neo” ra khơi từ ngày mồng 4 Tết. Ông cho biết: “Đánh bắt vụ cá Bắc khó khăn hơn nhưng sản phẩm chủ yếu là cá thu, thu ngàn, cá đao…, vừa ngon, vừa được giá nên các tàu cũng tập trung bám biển…”. Đến ngày mồng 6 Tết đã có cả trăm tàu thuyền của các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu ra khơi đánh bắt. Từ trung tuần tháng 2-2011, thời tiết ấm dần, cá lại tụ ở vùng biển của tỉnh, là thời cơ cho các tàu ra khơi đánh bắt. Theo thống kê của Sở NN-PTNT thì đến trung tuần tháng 2-2011, toàn tỉnh đã đánh bắt được 9.167 tấn hải sản các loại từ vụ cá Bắc, đạt 96,5% so với kế hoạch đã đề ra. Vụ khai thác cá Bắc vẫn còn hơn một tháng nữa, với thời tiết ấm như hiện nay, giá cả tăng khá sản lượng sẽ vượt xa 9.500 tấn như kế hoạch đã đề ra.
Ngoài các tàu thuyền bám biển đánh bắt thì chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước trong những năm qua đã tạo cho các ngư dân đầu tư sắm tàu mua máy lớn để đánh bắt xa khơi. Trong năm 2009, theo quyết định của Chính phủ, Trung ương đã hỗ trợ cho tàu thuyền khai thác thuỷ sản của tỉnh trên 48 tỷ 184 triệu đồng; trong đó ngoài hỗ trợ tiền dầu, mua bảo hiểm cho thuyền viên, hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu… còn hỗ trợ đóng thêm 2 tàu mới công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Năm 2010, Nhà nước hỗ trợ đầu tư đóng mới, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu cho các tàu đánh bắt công suất lớn, xa bờ ở tỉnh ta trên 1 tỷ đồng. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ ngư dân đã đầu tư đóng mới, nâng công suất để đánh bắt xa bờ. Đến ngày 20-2-2011, toàn tỉnh còn 1.737 tàu có công suất dưới 20CV, số tàu có công suất 20 đến dưới 90CV là 364 chiếc, tàu có công suất lớn từ 90CV đến trên 400CV là 254 chiếc… Với xu thế như hiện nay, trong những năm tới số tàu đánh bắt gần bờ sẽ giảm đáng kể. Một nguyên nhân nữa để ngư dân tập trung bám biển trong vụ cá Bắc là Nhà nước hỗ trợ cho các tàu đánh bắt hải sản ở tỉnh 200 máy trực canh với giá mỗi máy 2,5 triệu đồng trang bị từ tháng 10-2010; trong đó huyện Hải Hậu 100 máy, Giao Thuỷ 63 máy, Nghĩa Hưng 30 máy và Trực Ninh 7 máy. Từ máy trực canh, các tàu khai thác hải sản cách đất liền hàng trăm hải lý, suốt dọc chiều dài đất nước đều thu được các tin dự báo thời tiết, dự báo áp thấp nhiệt đới, bão… để các tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Vụ cá Bắc, tuy khó khăn nhưng thắng lợi. Từ những bài học kinh nghiệm của vụ cá Bắc, các tàu thuyền tỉnh Nam Định đang có những bước chuyển mới trong đánh bắt giảm dần lưới giã để tăng cường dùng lưới rê vừa hiệu quả cao vừa đỡ tốn nhiên liệu.
Tuấn Anh
Theo Báo Nam Định