Hòa Bình có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thủy lợi, thủy điện, sông, suối lớn.
Nuôi cá lồng ở Hòa Bình – Ảnh: Vũ Mưa
Năm 2014, tỉnh Hòa Bình thực hiện dự án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, ngành thủy sản tỉnh sẽ phát triển theo hướng thâm canh tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm với việc khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng mặt nước, mở rộng diện tích công nghiệp, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng rộng rãi quy trình thực hành nuôi tốt (GAP). Đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển các vùng nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh, đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, nuôi cá lồng tập trung, vùng nuôi an toàn. Đồng thời tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác.
Mục tiêu đến năm 2015, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh khoảng 2.560 ha (gồm 1.400 ha là ao, hồ nhỏ; 1.060 ha là hồ thủy lợi, hồ chứa; 100 ha nuôi kết hợp ruộng trũng, 2.000 lồng), sản lượng đạt 7.540 tấn (nuôi 6.090 tấn, khai thác tự nhiên 1.450 tấn), đảm bảo cung cấp khoảng 65% giống thủy sản sạch bệnh phục vụ sản xuất. Đến năm 2020, phấn đấu có 3.020 ha nuôi thủy sản, sản lượng đạt 11.140 tấn, đảm bảo cung cấp khoảng 90% giống thủy sản sạch phục vụ sản xuất, giá trị sản xuất đạt trên 400 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 13,23%, tạo việc làm cho khoảng 7.500 lao động.