Trong vụ nuôi, muốn cá khỏe mạnh, lớn nhanh, đạt năng suất cao, giảm chi phí… thì việc ương nuôi con giống đạt chất lượng và sạch bệnh cần quan tâm hàng đầu.
Ương cá bột lên cá hương
Lựa chọn và tẩy dọn ao
Đây là vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá khi ương nuôi. Cần lựa chọn ao ương có vị trí nằm gần hệ thống kênh mương thủy lợi nhằm cung cấp cho ao ương nguồn nước sạch, hạn chế được dịch bệnh gây ra trong quá trình nuôi.
Hệ thống cấp thoát nước cho ao phải riêng biệt, nguồn nước cấp và thoát không cùng chung mương dẫn. Tùy vào điều kiện của hộ nuôi mà ao có diện tích khác nhau, diện tích thích hợp cho thao tác kỹ thuật và quản lý chăm sóc từ 500 đến 1.000 m2.
Việc tẩy dọn ao đối với ao ương cá bột cần làm cẩn thận hơn ương cá từ hương lên giống, bởi cá bột kích cỡ nhỏ và bơi kém nên dễ bị địch hại tiêu diệt. Ao nuôi được bơm cạn, dọn sạch đáy và lấp hết hang hốc bờ ao, vét bớt lượng bùn đáy nếu bùn quá dày, duy trì độ dày bùn đáy 15 – 20 cm, phát quang bờ ao và đầm nén kỹ để tránh rò rỉ nước.
Dùng vôi nông nghiệp (CaO) để tẩy dọn nền đáy ao, đối với ao mới đào hoặc có nhiều váng phèn thì lượng vôi bón 10 – 14 kg/100 m2, những ao đã ương nuôi nhiều đợt (đáy đã thuần) thì bón ít hơn 7 – 8 kg/100 m2. Sau khi bón vôi có thể dùng trang kéo đều quanh ao để vôi được trộn lẫn với bùn đáy nhằm tiêu diệt vi khuẩn, tôm cua cá còn trốn dưới đáy và bờ ao, đồng thời trung hòa pH đáy.
Dùng vôi nông nghiệp (CaO) để tẩy dọn nền đáy ao – Ảnh: Phan Thanh Cường
Nếu có thể phơi đáy thì phơi đáy 3 – 5 ngày, nếu không phơi được đáy thì sau một ngày lấy nước vào ao. Nước cấp phải sạch, được lọc qua túi lọc dày để tránh địch hại lọt vào ao, độ sâu 0,7 – 1 m. Dùng bột đậu nành nấu chín 1 – 2 kg/100m2 và đạm Urê 0,2 kg/100m2 hòa loãng té xuống ao (3 ngày liên tục) để gây màu nước và phát triển thức ăn tự nhiên (Daphnia, Moina). Có thể dùng cây xanh (thân mềm) bó lại thành bó dìm xuống các góc ao làm phân xanh, tạo thức ăn tự nhiên.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh và ô nhiễm nước, người nuôi không nên sử dụng phân chuồng để bón phân gây màu ương cá. Ao sau khi được gây màu có độ trong 35 – 40 cm, nước có màu xanh nõn chuối, pH trung tính (7 – 7,5) là đạt yêu cầu.
Thả giống và chăm sóc
Trước khi mua giống, người nuôi cần tìm hiểu thông tin để mua được cá bột có nguồn gốc cá bố mẹ có chất lượng chọn giống tốt, không cận huyết và không bị bệnh. Cá bột có chất lượng tốt là không bị đẻ ép, đẻ non và phải đạt 3 ngày tuổi. Cá bột được vận chuyển trong núi nilon có bơm ôxy và được thả xuống vào buổi sáng và chiều mát. Khi thả cá nên ngâm bao cá xuống ao 15 phút để cân bằng nhiệt độ nước trong bao và ao nuôi sau đó mở túi cho nước vào (10 lít) giữ túi 5 – 6 phút để cá thích nghi rồi nhẹ nhàng dốc túi thả cá ra ao.
Nên thả cá ở phía đầu gió để cá phân bố được đều trong ao, mật độ thả 250 – 300 con/m2. Sau khi thả một ngày, có thể cho cá ăn thức ăn tự chế, nấu chín (30% cám + 70% bột cá) và trứng gà, vịt. Trong 10 ngày đầu cho ăn 0,2 kg thức ăn + 10 lòng đỏ trứng/vạn cá, kết hợp cho cá ăn thêm trùn chỉ (0,5 – 0,7 kg/vạn cá/ngày).
Hằng ngày cho cá bột ăn 3 – 4 lần, trứng được luộc lấy lòng đỏ mài qua lưới dày, hòa lẫn cùng thức ăn nấu chín và nước té đều xung quanh ao. Sau 10 ngày, tăng 0,1 – 0,2 kg/vạn cá/ngày, sau đó có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột mịn, dạng hạt, hàm lượng đạm trên 45%, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi cá đã bắt đầu ăn mạnh, tăng thêm 50% lượng trên và tiếp tục bổ sung thêm trứng nước và trùn chỉ. Lúc này đã có thể cho ăn dặm cá tươi xay nhuyễn, liều lượng chiếm 20 – 30% lượng thức ăn. Phải quan sát hoạt động và sức ăn của cá, chất lượng nước và độ sâu nước ao để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn và thay hoặc cấp thêm nước vào ao.
Trong tuần đầu thả cá buổi sáng, phải dậy sớm cầm vợt đi quanh bờ ao để vớt hết các ổ trứng của ếch nhái đẻ (nổi trên mặt nước), hạn chế trứng nở ra nòng nọc ăn cá.
Sau thời gian ương 25 – 30 ngày, cá đạt cỡ 2,5 – 3 cm (cá hương), tỷ lệ sống đạt 60 – 70%. Dùng lưới mềm, mắt dày kéo gom cá để xuất bán cho khách hoặc san thưa nuôi tiếp lên giống, chú ý cần dùng vợt lưới mềm và xúc cá nhẹ nhàng.
Ương cá hương lên giống
Ương nuôi con giống đạt chất lượng và sạch bệnh cần được quan tâm hàng đầu – Ảnh: Phan Thanh Cường
Đối với ao ương cá hương lên giống, diện tích ao, tẩy dọn, lấy nước, bón phân gây màu thì làm như đối với ao ương cá bột, tuy nhiên không cần chuẩn bị kỹ như ương cá bột, mật độ ương 150 – 200 con/m2 ao.
Thức ăn tự chế biến được nấu chín gồm cám và bột cá hoặc cá tươi xay nhỏ theo tỉ lệ 3/7, thêm 1% khoáng và vitamin. Thức ăn hằng ngày chiếm 7 – 10% trọng lượng cá trong ao, đối với cám công nghiệp (>35% đạm) thì cho ăn 2 – 3% trọng lượng thân, cho ăn 3 – 4 lần/ngày.
Trong quá trình ương nuôi cần theo dõi sức ăn của cá, màu nước ao để điều chỉnh thức ăn và kịp thời thay nước giúp cá phát triển tốt.
Sau thời gian ương 30 – 50 ngày, cá đạt kích cỡ 6 – 8 cm/con, tỷ lệ sống 85 – 90% thì có thể dùng lưới vét, thu hoạch bán cho khách, san thưa ương nuôi giống lớn hoặc nuôi thương phẩm.
>> Trong quá trình ương nuôi, cá tra, basa hay mắc một số bệnh (nấm thủy my, trùng bánh xe, đốm trắng…). Để phòng bệnh, không nên bón phân gia súc, gia cầm xuống ao, thả cá mật độ vừa phải, bổ sung nước sạch, duy trì độ sâu ao và thay nước kịp thời. Định kỳ bón vôi xuống ao (1,5 – 2 kg/100 m2) hằng tháng để ổn định pH và tiêu diệt mầm bệnh. |